Thai nhi 29 tuần tuổi

0

Thay đổi ở thai nhi tuần thứ 29

Ở tuần thai thứ 29, thai nhi đã có hình hài của một em bé đủ tháng. Bé bây giờ nặng khoảng 1,2 kg và chiều dài tính từ đầu đến gót chân dài khoảng 38,6 cm. Bé ngày một lớn lên trong tử cung của bạn.

Bé ngày càng mũm mĩm rất đáng yêu. Làn da của bé mịn màng nhưng hơi xanh vì chất béo bắt đầu phát triển. Chất béo này là yếu tố quan trọng giúp bé giữ ấm cơ thể. Thị lực của bé vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Lông mi mọc dài hơn trước và mắt bé cũng có thể chớp chớp. Tròng mắt đã xuất hiện một ít màu sắc.

Bé rất hiếu động và lanh lợi, thức rồi ngủ suốt ngày. Thời gian này, bé chỉ thức dậy, mở mắt trong vài giây thôi. Móng tay, móng chân bé đang mọc dài ra. Đây là bước chuẩn bị cho bé sẵn sàng rời khỏi bụng mẹ. Cơ và hệ thống phổi tiếp tục được hoàn thiện.

Đầu bé cũng to dần lên để tạo không gian cho não phát triển. Hệ thống tiêu hóa phối hợp nhịp nhàng, nói chung hầu hết các bộ phận trong cơ thể bé đã đi vào hoạt động.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần 29

Trọng lượng của bạn đến thời điểm này tăng từ 9,5 đến 12,5 kg. Đỉnh tử cung lúc này cách rốn khoảng 8,5 đến 10 cm. Bầu vú của mẹ xuất hiện nhiều sữa non hơn so với các tuần trước. Đây là bước khởi đầu báo hiệu một giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ sắp tới. Nhưng nếu bạn không thấy sữa non thì cũng đừng quá lo lắng về khả năng nuôi con bằng sữa mẹ của mình.

Một rắc rối thường gặp trong thời kỳ này là do bàng quang của bạn bị chiếc bụng to lớn chèn ép, do đó bạn sẽ phải đi vệ sinh nhiều hơn trước. Một trong những tác dụng phụ của việc mang thai là chân bạn có khả năng bị phù nề, nhiều người còn tăng kích thước chân lên gấp đôi gấp rưỡi so với trước kia.

Một số bộ phận khác trên cơ thể bạn cũng bị phù, rạn khiến bạn cảm thấy khó chịu, bất tiện. Một vài sọc (thường gọi là gân) có màu hồng, tía, nâu bắt đầu xuất hiện và lan rộng khắp bụng của bà bầu. Các vết này cũng có thể sẽ xuất hiện cả ở ngực, hông và bắp đùi. Tuy nhiên bạn đừng nên lo lắng quá nhiều vì hầu hết phụ nữ mang thai đều bị rạn da.

Chế độ dinh dưỡng

Giai đoạn này cần rất nhiều chất dinh dưỡng cho quá trình phát triển và hoàn thiện cơ thể bé. Bạn nên bảo đảm đầy đủ đủ dưỡng chất và chế độ nghỉ ngơi cần thiết. Phải bảo đảm bạn dùng đủ khối lượng đạm, vitamin C, axit folic, sắt và canxi.

Nếu bạn gặp phải một số thắc mắc về chế độ dinh dưỡng, lượng vitamin và dưỡng chất thích hợp cho bà bầu, hãy liên hệ bác sĩ của bạn để được giúp đỡ. Bạn có thể ăn thêm pho mát, sữa chua, hoặc nước cam, nước dừa để bổ sung thêm lượng canxi, vitamin cho cơ thể.

Trong tuần này, các bà mẹ đặc biệt chú ý bổ sung thêm lượng DHA cần thiết cho bé có trong các loại sữa có chứa sẵn DHA. Việc này giúp tế bào não và thần kinh của bé phát triển tối đa mẹ nhé.

Hãy sử dụng các loại đồ uống như trà, sữa, nước khoáng hoặc nước tinh khiết thay cho các loại đồ uống yêu thích của bạn như café, coca…Bạn nên uống khoảng 10 đến 12 ly nước mỗi ngày để giúp cơ thể bạn tránh khỏi một số khó chịu gây ra bởi chứng ợ nóng, táo bón… Chế độ ăn của bạn cũng nên bổ sung nhiều chất xơ hơn, bao gồm các loại trái cây, rau, ngũ cốc, bánh mì làm từ lúa mì, hoa quả khô…

Không nên nằm ngay sau khi ăn. Bạn chỉ nên nằm sau khi ăn ít nhất là 1 giờ nếu cảm thấy mệt mỏi. Như thế sẽ giúp cải thiện chứng táo bón gây khó chịu cho bạn trong suốt thai kỳ. Khi ngủ bạn nên dùng gối để gác chân cao lên, như thế sẽ giúp mẹ dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Các bệnh thường gặp

Hầu hết các thai phụ sẽ gặp các triệu chứng như: ợ nóng và táo bón vì hormon thai kỳ progesterone. Cảm giác khó chịu ở đường tiêu hóa cũng khiến bạn cảm thấy khó khăn hơn trong suốt quá trình mang thai. Các bệnh này là do quá trình tiêu hóa chậm gây ra khí và ợ nóng, đặc biệt là sau khi bạn ăn nhiều.

Bạn nên có chế độ ăn hợp lý, sử dụng thêm các loại thuốc như Colace hay Metamucil tại các cửa hàng thuốc. Ngoài ra bạn nên tập thể dục đều đặn như: đi bộ, bơi và những hoạt động thể thao khác khoảng 20-30 phút mỗi lần. Bạn cần chú ý tránh các động tác mạnh.

Các bệnh về răng miệng cũng liên tục làm phiền mẹ bầu như chảy máu chân răng thường xuyên. Bạn có thể thay đổi phương pháp chăm sóc răng miệng hoặc nếu như các biểu hiện của bệnh này ở mức độ nghiêm trọng, hãy tới gặp bác sĩ bạn nhé.

Bố mẹ cần làm

Thai phụ đang thật sự lo lắng cho những ngày chuyển dạ sắp tới. Bạn hãy thường xuyên trò chuyện với các bà mẹ đã từng trải qua quá trình sinh nở để biết thêm một số kinh nghiệm cũng như xoa dịu nỗi lo lắng của bạn.

Nếu bạn quyết định sinh bé ở bệnh viện, hãy đến bệnh viện thường xuyên hơn, nói chuyện với bác sĩ hoặc hộ lý về những băn khoăn của bạn để được giúp đỡ. Một lớp học tiền sản cũng đem lại cho bạn những kiến thức tốt chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới. Bạn cũng có thể đọc thêm một số cuốn sách về sinh nở để chuẩn bị tinh thần tốt hơn.

Đối với những vết rạn, bạn không nên lo lắng quá nhiều. Không có loại kem nào có thể phòng ngừa được chứng rạn da này nhưng mẹ có thể dùng các loại kem chứa vitamin E để cải thiện độ đàn hồi của da. Khoảng một năm sau khi bé ra đời, những dấu hiệu của rạn da sẽ mờ đi.

Hãy kiểm tra lại danh sách những thứ bạn cần làm. Bắt đầu nghĩ tới tên của bé và nghĩ về những thay đổi của cuộc sống sau sinh. Ông bố tương lai cũng nên lập một kế hoạch cho việc sinh nở như ai sẽ giúp mẹ bé trong lúc sinh.