Thai nhi 14 tuần tuổi

0

Thay đổi ở thai nhi tuần thứ 14

Ở tuần thai thứ 14, thai nhi mới chỉ dài khoảng 8,7cm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng khoảng 43g. Em bé của bạn đã có thể nheo mắt, cau mày, nhăn mặt, đi tiểu, và có thể mút ngón tay cái của mình. Bàn tay và bàn chân của bé không ngừng cử động. Các dấu vân tay bé xíu cũng đã rất rõ nét.

Vị giác của bé cũng đang được dần hình thành. Cơ thể của bé đang phát triển nhanh hơn so với phần đầu. Cánh tay của bé dài ra, tương ứng với phần còn lại của cơ thể. Gan của bé bắt đầu tạo ra mật, lá lách của bé bắt đầu hoạt động đóng vai trò sản xuất các tế bào máu.

Đây cũng là thời kỳ phát triển cực kỳ nhanh, trên đầu tóc mai đã xuất hiện, lông tơ cũng mọc khắp nơi trên cơ thể để bảo vệ làn da bé.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần thứ 14

Bạn sẽ cảm thấy ngực của mình đã bắt đầu xuất hiện một chất nhầy màu vàng, xỉn. Đây được gọi là sữa non, loại sữa cực kỳ bổ dưỡng, cần thiết cho trẻ sơ sinh. Nguy cơ sẩy thai đột ngột và các triệu chứng ốm nghén đã giảm hẳn và bạn bắt đầu có cảm giác đói cồn cào.

Mẹ bầu có thể tăng khoảng 2,5kg vào lúc này. Tử cung của bạn ngày một to ra, tỷ lệ thuận với sự phát triển của bé. Tim của bạn phải làm việc nhiều hơn 20% so với bình thường để đáp ứng đủ lượng máu tăng lên trong cơ thể bạn.

Chế độ dinh dưỡng

Đu đủ chín là loại quả có hiệu quả rất cao đối với phụ nữ có thai. Nó giúp giảm hẳn chứng ợ nóng khó chịu của bà bầu trong giai đoạn này. Ngoài ra, hãy ăn thêm các loại sa lát hoa quả hay rau tươi để làm món ăn nhẹ mỗi khi bạn thấy đói vì giai đoạn này, bà bầu vừa hết ốm nghén, cảm giác thèm ăn đã quay trở lại khiến bạn thường xuyên cảm thấy đói cồn cào.

Các mẹ hãy chú ý bổ sung cho cơ thể những thức ăn hoàn hảo như là: hoa quả khô, hạt hướng dương, hạt bí và trái cây khô. Những chất béo này không chứa cholesterol và giúp bé con trong bụng có đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết.

Bây giờ bé cần rất nhiều chất đạm và sắt để phát triển. Hai chất này có nhiều trong trứng gà và cải bó xôi. Một nguồn khác cũng rất dồi dào chính là thịt, cá và ngũ cốc. Tăng cường thêm vitamin C với các loại trái cây vì chúng giúp hấp thu sắt cho cơ thể bé và mẹ.

Các bệnh thường gặp

Cảm giác buồn nôn và nôn không còn xuất hiện thường xuyên nữa nhưng chứng ợ nóng thì vẫn có thể vẫn làm phiền bạn thường xuyên đấy. Ngoài ra, do sự phát triển của thai nhi và tử cung lớn dẫn đến dạ dày bạn bị co thắt và trải dài ra theo một lối khác. Điều này khiến mẹ bầu mắc phải chứng đau dây chằng. Khi bị đau, bạn nên tìm chỗ thích hợp để nằm nghỉ ngơi cho đến khi cơn đau lắng dịu. Nếu cơn đau vẫn tiếp diễn, hãy tắm nước ấm. Nếu cơn đau dai dẳng không dứt, nên gọi cho bác sĩ sản khoa.

Các bệnh về răng nướu vẫn tiếp tục hiện diện khiến bạn có cảm giác khó chịu. Tuy nhiên không nên lo lắng quá nhiều, các triệu chứng này sẽ sớm khỏi sau khi bạn bước sang giai đoạn mới của thời kì mang thai. Bạn cũng nên chủ động quan tâm tới răng nướu như việc đánh răng, bàn chải đánh răng, hoặc sử dụng chỉ nha khoa nếu lợi bạn bị cháy máu.

Các triệu chứng rạn da vẫn xuất hiện và với mật độ dày đặc hơn. Bạn có thể hỏi bác sĩ để có được loại kem hiệu quả nhất cho làn da của bạn.

Bố mẹ cần làm

Trong tuần này, bố mẹ nên tới bác sĩ để kiểm tra nước ối, đo độ mờ da gáy để tầm soát hội chứng Down, phát hiện sự dư thừa của nhiễm sắc thể thứ 21, khuyết tật ống thần kinh và xơ hóa gai cột sống của bé.

Mẹ bầu nên tránh đứng và ngồi lâu một chỗ, nếu ngồi trước máy tính quá lâu, hãy giúp cơ thể thoải mái hơn bằng cách thỉnh thoảng đi dạo vòng quanh phòng và tạo cho mình tư thế ngồi làm việc hiệu quả nhất, tránh đau lưng, hay mệt mỏi.

Ở tuần thai 14, bé đã cảm nhận được sự âu yếm, vuốt ve, quan tâm từ mọi người. Vì thế cả bố lẫn mẹ hãy dành cho bé thật nhiều sự yêu thương và những cử chỉ âu yếm nhé.