Thai nhi 20 tuần tuổi

0

Thay đổi của thai nhi tuần 20

Trong tuần thai thứ 20, thai nhi đã dài khoảng 16,4cm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng khoảng 300g. Thai nhi tuần này đã biết nuốt dịch ối từ mẹ và thận bé đã sản sinh ra nước tiểu. Da bé giờ đã chuyển sang màu hơi đỏ, dày hơn và kém trong suốt hơn so với lúc trước. Da bé phát triển thành nhiều lớp biểu bì, lớp trên cùng có nhiệm vụ cấu tạo nên bề mặt của da, ví dụ như vân tay.

Tuyến mồ hôi của bé cũng đã hoạt động. Móng tay, móng chân và tóc của thai nhi dài ra rõ rệt. Bên cạnh đó các tế bào thần kinh cũng đang dần hoàn thiện chức năng của mình. Thời kỳ này, sự phát triển của giác quan sẽ đạt tới đỉnh cao. Các tế bào thần kinh đã được chuyên biệt hóa với 5 giác quan: vị giác, thính giác, thị giác, xúc giác, khứu giác. Quá trình sản sinh các tế bào thần kinh chậm dần thay vào đó là sự lớn lên và tập trung vào sự kết nối giữa các tế bào với nhau. Một phần não bộ của bé đã tự sản xuất ra tế bào não, tuy nhiên, các tế bào này cũng bị lão hóa đi với tốc độ nhanh chóng.

Thai nhi tuần này đã biết đạp, hơn thế còn đạp rất mạnh. Bà bầu có thể cảm nhận rõ ràng nhiều hơn sự thay đổi này so với giai đoạn trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến bụng bà bầu đôi khi bị đau và dẫn đến khó ngủ. Bắt đầu từ giai đoạn này, thai nhi sẽ vô cùng hiếu động, liên tục hoạt động trong bụng mẹ đến tận khi chào đời.

Thay đổi của mẹ khi mang thai tuần 20

Tử cung tuần này đã mở rộng nhanh chóng, lấn chiếm dần ổ bụng, đỉnh của tử cung lúc này đã tiệm cận với rốn. Các tuần tiếp theo tử cung của bạn sẽ giãn nở ra khoảng 1 cm một tuần. Bạn có những thay đổi tích cực về ngoại hình: tóc bạn trở nên dày và óng mượt hơn; làn da của bạn cũng bóng bẩy và láng hơn. Tuy nhiên ở các chỗ như bụng hay ngực vẫn xuất hiện nhiều vết rạn.

Ngực của bạn cũng phát triển nhanh. Lượng hormone estrogen gia tăng khiến máu được bơm nhiều vào ngực và âm đạo làm bà bầu tăng ham muốn hơn trong chuyện phòng the.

Trong tuần thai thứ 20 bà bầu có thể tăng khoảng 1kg. Ngực bạn cũng bắt đầu tiết ra sữa non nhưng bạn không nên nặn nó ra tránh gây ảnh hưởng tới quá trình tiết sữa.

Chế độ dinh dưỡng

Hãy ăn nhiều rau quả hơn trong bữa ăn. Chúng là nguồn vitamin B tuyệt vời, rất quan trọng đối với hệ thần kinh của thai nhi. Bạn nên ăn nhiều chuối, nó sẽ giúp các cơn đau, khó tiêu, ợ nóng của bạn trở nên dễ chịu hơn.

Bạn cần nhớ rằng điều quan trọng là bản thân bạn phải ăn đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là chất sắt. Ăn càng nhiều thức ăn có chứa chất sắt càng tốt, vì nó sinh ra nhiều hồng cầu cho bé. Đồng thời, chất sắt còn giúp bé chống lại bệnh thiếu máu, nhẹ cân hay sinh non.

Khi mang thai, bạn cần phải được cung cấp từ 27 đến 30mg chất sắt hàng ngày. Ngoài ra, chất sắt cũng rất quan trọng với mẹ để cung cấp máu cho thai nhi. Những món ăn có chứa nhiều chất sắt là: Thịt nạc có màu đỏ, thịt lợn, các cây họ đậu, trái cây sấy, lúa mì, bột yến mạch, ngũ cốc chứa chất sắt. Bạn cũng nên giảm lượng tinh bột cũng như lượng đường trong thời kì này để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Nên kết hợp thêm sử dụng các loại sữa dành cho bà bầu để bổ sung lượng calo cần thiết nuôi mẹ và bé nữa.

Các bệnh thường gặp

Bà bầu có thể vẫn tiếp tục mắc chứng ợ nóng hay đầy bụng, khó tiêu. Các khớp xương và dây chằng trong cơ thể bạn đã giãn ra nên bạn rất dễ bị đau lưng hay nhức mỏi toàn thân.

Cảm giác stress sẽ trở lại khiến bạn mệt mỏi hơn, những suy nghĩ tiêu cực sẽ thường xuyên xuất hiện đặc biệt là về quá trình sinh đẻ sắp tới.

Thỉnh thoảng sẽ có cảm giác đau nhói ở bụng dưới nhưng không có gì đáng ngại cả. Đó chỉ là tình trạng căng cơ và dây chằng mà thôi. Bạn thường cảm thấy khó ngủ do các triệu chứng của ợ nóng hay đầy bụng. Tuy nhiên cũng có thể là do bạn cảm giác đói, thèm ăn hoặc là do ăn quá no.

Trong thời gian này, các bệnh về răng miệng cũng thường gặp. Bạn nên chú ý chăm sóc răng lợi mình tốt hơn với loại kem đánh răng cũng như bàn chải đánh răng phù hợp nhé.

Bố mẹ cần làm

Mẹ có thể trò chuyện, cho bé nghe nhạc, ru bé, massage bên ngoài…bản năng làm mẹ sẽ khiến mẹ tự biết mình làm gì tốt nhất cho con yêu của mình đúng không? Ngoài ra để làm tăng mối gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với em bé, bạn nên khuyến khích bố đặt tay lên bụng mẹ để cảm nhận được những chuyển động của bé, bố có thể trò chuyện với bé.

Hãy thực hành những bài tập thể dục nhẹ nhàng để giải tỏa stress và tham gia các lớp học tiền sản thường xuyên nhé. Bà bầu cũng nên hỏi thêm những người có kinh nghiệm hoặc bác sĩ chuyên khoa theo dõi tình hình thai nhi để có những phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc thai nhi tốt nhất, phù hợp nhất.