Thai nhi 6 tuần tuổi

0

Mong mỏi một em bé khỏe mạnh chào đời là mong ước của tất cả các bà mẹ trên thế giới. Để đảm bảo cho sức khỏe của bé, mẹ bé nên quan tâm tới bé ngay từ trong những tuần đầu tiên của thai nghén.

Thay đổi ở thai nhi tuần thứ 6

Thai nhi tuần này vẫn tiếp tục giai đoạn hình thành và tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Phôi thai vô cùng bé nhỏ với bộ xương cũng đang dần dần hoàn thiện. Tuy nhiên xương của phôi thai lúc này vẫn còn ở dạng sụn mềm.

Ở tuần này, tim của phôi thai còn khá nhỏ, có thể hoạt động từ 100–160 lần/phút. Bộ não bé đang dần hoạt động. Hình hài của bào thai giống như một con nòng nọc với một chiếc đầu rất to.

Mắt của bé mới chỉ là hai chấm nhỏ ở hai bên trên đầu phôi thai. Cánh tay và chân của thai nhi vẫn chưa thể nhìn thấy rõ. Ngón tay và ngón chân cũng đang dần được định hình.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần thứ 6

Cảm giác ốm nghén xuất hiện nhiều hơn trước. Bụng và ngực bạn luôn ở trong cảm giác căng phồng. Điều này thực sự gây cảm giác khó chịu, căng thẳng cho mẹ. Đôi khi bạn cảm thấy bực mình và có thể gắt gỏng.

Các triệu chứng của ốm nghén như buồn nôn và mệt mỏi cũng vẫn xuất hiện với tần suất nhiều hơn, mọi lúc mọi nơi.

Bạn không nên lo lắng nhiều về các triệu chứng trên vì điều này hoàn toàn bình thường khi bạn mang thai. Chúng gây cho bạn cảm giác phiền toái mệt mỏi, nhưng nó sẽ không kéo dài lâu đâu bạn nhé.

Một số trường hợp bạn cũng không nên coi thường như cảm thấy đau đầu trong giai đầu thai kỳ hay bất kì biểu hiện bất thường nào khác, hãy tới phòng khám chuyên khoa ngay lập tức để có được những lời khuyên và sự giúp đỡ hợp lý từ các bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng

Vấn đề luôn luôn được đề cao trọng khi bạn mang thai là bồi bổ chất dinh dưỡng cho bà bầu. Chú ý tới việc ăn uống có thể giúp thai nhi của bạn nhận được các dưỡng chất tối ưu nhất cho sự phát triển. Nếu cảm thấy khó chịu do ốm nghén, không muốn ăn, bạn có thể chia nhỏ các bữa ăn và uống nước thường xuyên.

Bạn nên cố gắng ăn đa dạng các loại thực phẩm để có nhiều chất dinh dưỡng hơn cho bé nhé. Một mẹo nhỏ cho bạn để giảm ốm nghén là ăn dưa chuột. Hoặc nếu đau đầu bạn nên áp dụng các biện pháp trị đau đầu theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Vấn đề vệ sinh thực phẩm vốn đã quan trọng nay càng cần được ưu tiên hàng đầu khi có thai để đảm bảo an toàn tối đa cho sức khoẻ của cả mẹ và bé. Bạn nên tránh ăn các thực phẩm đã nấu chín để qua đêm kể cả khi nó đã được giữ ở trong tủ lạnh để tránh mắc phải các bệnh lây truyền qua đường ăn uống. Vậy nên hãy cố gắng ăn các đồ ăn tươi, vừa nấu, tốt nhất chỉ nên nấu vừa đủ, tránh ăn đồ thừa. Bạn cũng nên tăng cường vitamin C, đặc biệt là trong thời điểm này đảm bảo cho các tế bào phôi mầm lớn nhanh, khỏe mạnh.

Các bệnh thường gặp

Trong giai đoạn này bà bầu thường hay gặp các bệnh như mất ngủ. Điều này được thể hiện bằng việc cơ thể thai phụ mệt mỏi, thiếu cân bằng. Các biểu hiện này là do tác động của các hooc môn thai nghén khiến bạn bị ức chế hoặc căng thẳng quá độ do các thay đổi trong cơ thể. Cũng có thể do bạn quá lo lắng làm sao để giữ cho thai nhi khỏe mạnh tuyệt đối. Một nguyên nhân khác là do bạn cảm thấy đau bụng, thường xuyên mót tiểu, không thoải mái khi nằm.

Bố mẹ cần làm

Hãy đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa để khám, siêu âm, theo dõi tình trạng thai nhi như bé đã nằm đúng vị trí hay chưa? để có các biện pháp kịp thời khi cần thiết.

Nếu lần đầu tiên làm mẹ, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên về những biểu hiện và cảm giác khi em bé trong bụng đang lớn dần lên. Hãy chia sẻ và cùng cảm nhận với những người đồng cảnh hoặc những người đã có kinh nghiệm trước đó để biết được đâu là bình thường, đâu là không ổn.