Thai 4 tuần tuổi

0

Tuần thai thứ 4 là tuần mà bạn đã có thể mất kinh và biết mình có thai. Vào lúc này, em bé của bạn đã bám trụ ở tử cung và phát triển rất nhanh. Từ tuần thứ 3 đến cuối tuần thứ 4, em bé dài bằng đầu kim, khoảng 1mm.

Sự di chuyển và làm tổ của trứng đã thụ tinh

Trứng đã thụ tinh di chuyển trong phần còn lại của vòi tử cung mất 3-4 ngày, sau đó còn sống tự do trong buồng tử cung thêm 2-3 ngày nữa mới bắt đầu quá trình làm tổ. Trên đường di chuyển trứng phân chia rất nhanh, từ 1 tế bào ban đầu phân thành 2 rồi 4 tế bào mầm bằng nhau, sau đó phân chia thành 8 tế bào: 4 tế bào mầm to và 4 tế bào mầm nhỏ.

Các tế bào mầm nhỏ tạo thành lá nuôi có tác dụng nuôi dưỡng bào thai; các tế bào mầm to nằm ở giữa sẽ trở thành các lá thai và phát triển thành thai nhi.

Các tế bào mầm nhỏ phát triển nhanh hơn các tế bào mầm to và bao quanh lấy các tế bào mầm to tạo nên phôi dâu, có hình dạng bên ngoài giống hình quả dâu, gồm từ 16-32 tế bào. Trong phôi dâu dần dần xuất hiện một buồng nhỏ chứa chất dịch đẩy các tế bào sang một bên và trở thành phôi nang (vào ngày thứ 6,7 kể từ khi phóng noãn).

Trứng ở giai đoạn phôi nang bắt đầu làm tổ vào ngày thứ 6-8 sau khi thụ tinh, khi niêm mạc tử cung đã phát triển đầy đủ để chuẩn bị nhận trứng làm tổ. Nơi làm tổ thường là vùng đáy tử cung, mặt sau hay gặp hơn mặt trước. Các bước làm tổ bao gồm: Dính, bám rễ qua lớp biểu mô và nằm sâu trong lớp đệm. Quá trình diễn biến như sau:

Ngày thứ 6-8: Phôi nang dính vào niêm mạc tử cung. Các chân giả xuất phát từ các tế bào nuôi bám vào biểu mô, gọi là hiện tượng bám rễ. Một số liên bào bị tiêu hủy và phôi nang chui sâu qua lớp biểu mô.

Ngày thứ 9-10: Phôi thai đã qua lớp biểu mô trụ nhưng chưa nằm sâu trong lớp đệm, bề mặt chưa được biểu mô phủ kín.

Ngày thứ 11-12: Phôi nằm hoàn toàn trong lớp đệm, song chỗ bám vào biểu mô chưa được che kín.

Ngày thứ 13-14: Phôi nằm sâu trong niêm mạc và thường đã được biểu mô phủ kín.

Như vậy đến hết tuần thứ 4, phôi đã nằm ổn định trong tử cung, được “ủ ấm” và giữ vững an toàn tuyệt đối để bắt đầu một quá trình phát triển hoàn thiện.

Cũng vào thời kỳ này, các tế bào mầm nhỏ phát triển thành các phần phụ nuôi dưỡng thai như nước ối, bánh nhau. Nhau thai là bộ phận đưa dưỡng chất từ cơ thể mẹ truyền sang cho bé. Nhau thai sẽ tiếp tục dày thêm cho đến tháng thứ 4. Mặc dù được cấu tạo từ màng mô chung, nhưng nhau thai giữ máu của mẹ và máu của bé độc lập chứ không tiếp xúc với nhau.

Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có chức năng nuôi dưỡng phôi thai, cung cấp dưỡng chất cho sự phát triển của bào thai. Nước ối còn có chức năng bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm, sang chấn, đặc biệt là bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối.

Những thay đổi trong cơ thể mẹ

Lúc này, dấu hiệu đầu tiên của sự mang thai đã có, đó là sự chậm kinh. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kiểm tra chính xác khả năng mang thai, bằng cách đo mức độ hiện diện của loại hooc-mon (hCG) mà cơ thể bạn tạo ra sau khi trứng đã thụ tinh được gắn vào thành tử cung, thường từ 6-12 ngày sau khi thụ tinh.

Việc đo này có thể thực hiện bởi bác sĩ, hoặc bạn có thể tự thực hiện qua que thử thai. Càng lâu sau ngày mất kinh thì độ chính xác của phép thử càng cao. Kiểm tra sớm quá có thể được ra kết quả âm tính không chính xác.

Thời gian tốt nhất để kiểm tra là vào sáng sớm khi bạn đi tiểu lần đầu. Lúc đó hooc-môn hCG đạt cao nhất. Đây chính là loại hooc-môn bác sĩ cũng sẽ dùng để xác định bạn mang thai khi xét nghiệm nước tiểu. Lượng hooc-mon này sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 2 -3 ngày cho đến hết 10 tuần thai đầu tiên.

Mức độ chính xác của việc thử thai tại nhà là 90% nếu tiến hành thử ngay ngày mất kinh đầu tiên. Múc độ chính xác này sẽ đạt 97% nếu chờ sau 1 tuần mất kinh.

Vào tuần thứ 4 này, tử cung bắt đầu dày thêm và được lót thêm các đường dẫn máu để nuôi dưỡng em bé đang lớn lên. Cổ tử cung, nơi em bé sẽ chui ra trong lúc sinh, trở nên mềm mại hơn và chuyển màu. Bác sĩ có thể kiểm tra và xác định việc mang thai trong lần thăm khám đầu tiên.

Ngực căng đau cũng là dấu hiệu bạn đang có thai. Hiện tượng này sẽ mất sau vài tháng. Bầu ngực của bạn có thể sẽ căng đầy và nặng hơn bình thường. Ngoài ra, cơ thể  bạn chưa có sự biến đổi nào khác từ việc tăng cân đến các số đo…

Về tâm lý, cảm xúc, lúc này bạn có thể dễ hồi hộp, xúc động, lo lắng hoặc tất cả cảm xúc này. Tùy từng cá nhân, những trạng thái cảm xúc trên biểu hiện khác nhau. Nhưng nhìn chung trạng thái này là bình thường. Hãy cân bằng cuộc sống bằng cách thường xuyên trò chuyện với chồng và bạn bè, người thân, bạn sẽ thấy thoải mái và dễ chịu hơn nhiều.

Sức khỏe và dinh dưỡng

Nếu thử thai tại nhà đã có kết quả, bạn cần lên kế hoạch cho việc khám thai. Phần lớn bác sĩ sẽ lên lịch khám vào các tuần thai quan trọng cho bạn.

Có đầy đủ thông tin là yếu tố quan trọng để mang thai an toàn và khỏe mạnh. Nhưng các lưu ý về sức khỏe và lời khuyên cho thai phụ thường thay đổi đa dạng. Lời khuyên tại lúc này sẽ ngược lại với những gì bạn biết trước đây. Vì vậy nên hỏi bác sĩ về bất cứ điều gì bạn còn phân vân.

Uống nhiều nước là điều rất quan trọng trong thời kỳ đầu mang thai. Bởi cơ thể bạn bắt đầu tăng lượng lưu chuyển máu và cơ thể em bé cần nhiều nước. Uống nhiều nước cũng giúp bạn chống mệt mỏi và ngừa táo bón. Ngoài ra hay bổ sung các thức uống bổ dưỡng như sữa, nước ép trái cây.

Tất nhiên là việc cân bằng các nhóm dinh dưỡng gồm vitamin, chất đạm, bột, đường, chất béo phải luôn được đảm bảo. Bên cạnh đó, bạn có thể tiếp tục các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng trước sinh.

Lúc này việc tập thể dục vẫn luôn cần thiết, giúp tăng cường thể chất cho cơ thể, chuẩn bị tốt cho sức khỏe của bạn và bé. Còn nếu bạn có sửa dụng mỹ phẩm, hóa chất làm đẹp tóc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ, điều này rất quan trọng trong thời kỳ đầu mang thai.