Thai nhi 10 tuần tuổi

0

Tuần thai thứ 10 mới chỉ là một trong những tuần đầu nhưng rất quan trọng của quá trình mang thai. Vì vậy, bạn cũng nên cố gắng quan tâm, chú ý tới các hoạt động của bản thân. Nếu bạn làm các công việc văn phòng, thường xuyên ngồi nhiều, bạn nên thay đổi các tư thế ngồi làm việc hay áp dụng các bài thể dục nhẹ nhàng để đảm bảo an toàn cho bé.

Thay đổi ở thai nhi tuần thứ 10

Bước vào tuần thứ 10, thai nhi đã dài khoảng 3,1 cm và nặng khoảng 4g. Các cơ quan chức năng quan trọng của bào thai tiếp tục xuất hiện và hoàn thiện chức năng. Ngón tay của thai nhi lúc này đã có thể tách rời và những chiếc móng tay nhỏ tí xíu bắt đầu ló ra trên các ngón tay, ngón chân.

Tóc và lông tơ bắt đầu phát triển trên da. Trán dường như phình to ra so với chiếc đầu bé tí của thai nhi. Phần đầu của thai nhi dài bằng nửa chiều dài của cơ thể. Bộ não của bé cũng đang phát triển và nằm rất cao trên đầu.

Chồi răng lúc này cũng đã xuất hiện, bộ xương đang phát triển không ngừng. Mí mắt của bé vẫn còn khép. Bạn có thể nhìn thấy cột sống của bé qua lớp da mờ, khi siêu âm. Hệ thống dây thần kinh cột sống cũng đang bắt đầu căng ra từ tủy sống.

Các bộ phận cần thiết cho sự sống như não bộ, thận, gan, phổi đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển trong suốt thai kỳ. Gan thai nhi lúc này giữ nhiệm vụ sản xuất hồng cầu. Túi noãn hoàng không còn cần thiết nên bắt đầu biến mất.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần thứ 10

Thời gian này là giai đoạn đỉnh cao khi bạn phải chịu đựng những khó chịu của ốm nghén, mệt mỏi ngày càng rõ rệt. Bụng bạn trông đã hơi to lên so với các tuần trước. Dựa vào các biểu hiện cơ thể bạn người ngoài đã có thể phát hiện ra bạn đang mang thai.

Do sự thay đổi của hormone thai kỳ, tâm lý của bạn cũng thay đổi liên tục. Các thay đổi này thật sự gây cảm giác khó chịu, áp lực và ảnh hưởng không tốt cho bà bầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các bà bầu thường xuyên nóng giận, hoặc cảm giác như bị stress nặng.

Thời gian này bạn phải bổ sung dinh dưỡng để tăng cân.

Chế độ dinh dưỡng

Bạn nên bổ sung thêm lượng calo cho cơ thể trong chế độ ăn uống hàng ngày. Bạn cũng có thể lựa chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh như sữa chua và trái cây để tăng lượng canxi.

Để đảm bảo lượng canxi cần thiết cho sự phát triển thai nhi, bên cạnh việc uống sữa có chứa canxi, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm như trứng, hải sản, và hạn chế những loại sữa béo, nguyên kem nếu cân nặng bạn đã tương đối tốt. Đồng thời bạn cũng nên đảm bảo được lượng vitamin khác cần thiết cho cơ thể mẹ và bé nhé.

Hãy luôn tăng cường rau quả trong chế độ dinh dưỡng, ngay cả khi bạn không hứng thú lắm.

Các bệnh thường gặp

Các hooc-môn thai nghén trong giai đoạn này báo hiệu sự có mặt của thai nhi trong bụng. Nhiều bà bầu cảm thấy đau đầu và các vấn đề liên quan đến lưng như đau dây thần kinh tọa… hay mắc bệnh nấm âm đạo. Bất cứ khi nào bạn thấy có dấu hiệu của các bệnh này, hãy nghĩ tới những cách điều trị tự nhiên mà bạn có thể áp dụng hoặc có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có lời khuyên và phương pháp điều trị tốt nhất.

Bố mẹ cần làm

Bạn nên chú ý tới trang phục hàng ngày, bạn nên lựa chọn các trang phục rộng rãi, thoáng mát, dễ chịu. Bạn cũng nên chọn mặc đồ được làm từ cotton nếu bạn mang thai trong những tháng hè. Bạn không nên mặc các loại quần áo  bó chật quá, bởi vì các loại quần áo này rất có thể gây mẩn ngứa cho bạn.

Trong tuần này, bạn cũng nên tham gia các khóa huấn luyện tiền sản để chuẩn bị cho mình những kĩ năng cần thiết cho các giai đoạn mang thai sau này.