Thai nhi 30 tuần tuổi

0

Thay đổi ở thai nhi tuần thứ 30

Tuần thai thứ 30, chiều dài của bé đạt 39,9 cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân và cân nặng khoảng 1,3 kg. Bộ não của bé đang phát triển rất nhanh và kích thước vòng đầu lúc này cũng tăng trưởng không ngừng.

Thị lực của bé tiếp tục trong giai đoạn phát triển tương đối tích cực, bé có thể nhắm, mở mắt liên tục trong ngày. Lúc này, bé đã có thể phản ứng với sự thay đổi ánh sáng bằng 20/400 thị lực thường, tức là nhìn rõ trong khoảng vài cm.

Phổi của bé đã có nước bên trong để chuẩn bị và củng cố cho việc hô hấp khi ra với thế giới bên ngoài. Khoảng hơn 1 lít nước ối bao quanh cơ thể bé vào lúc này. Lượng nước này sẽ giảm dần khi bé ngày một lớn hơn.

Bé biết quay đầu sang hai bên. Tay, chân và thân mình dần trở nên tròn trịa hơn do chất béo đang tích tụ dưới da. Bé có thể cũng ngọ nguậy nhiều, đạp và lộn nhào khiến bạn khó ngủ. Hãy tự an ủi mình: tất cả những hoạt động này cho thấy con bạn khỏe mạnh và lanh lợi.

Tuần này nếu bé là một bé trai, tinh hoàn đã di chuyển từ gần thận về tới gần háng. Nếu là một bé gái, âm vật đã phát triển lên phía trên bởi vì hai môi âm vật chưa đủ lớn để bao phủ. Quá trình này sẽ hoàn tất trong một vài tuần trước khi sinh.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần thứ 30

Bạn sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi hơn, làm việc rời rạc hơn, khó ngủ hơn. Điều này là do bụng của bạn ngày càng lớn và chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể. Thời gian mang thai càng dài, bạn càng thấy khó chịu ở gần xương chậu và bụng. Núm vú của mẹ cũng lớn hơn và được bao quanh một loại dầu nội tiết để chống vi khuẩn. Bạn sẽ thấy xuất hiện rất nhiều dịch âm đạo có màu ngả vàng, nhiều hơn so với bình thường.

Bạn có thể nhận thấy sữa non thỉnh thoảng rỉ ra. Trong trường hợp này, hãy nhét vài miếng đệm vào trong áo ngực để tránh làm bẩn quần áo. Bạn nên chuẩn bị tinh thần bởi vì trong suốt 3 tháng cuối này, dịch âm đạo sẽ tiết ra rất nhiều. Bạn có thể sử dụng băng vệ sinh hàng ngày, vệ sinh âm đạo thường xuyên (bằng nước) và mặc quần có chất liệu khô thoáng.

Chế độ dinh dưỡng

Do cảm giác thèm ăn tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu tối đa của thai nhi, vì thế hãy cố gắng hạn chế, đừng ăn nhiều loại bánh kẹo và các loại thức ăn chế biến sẵn, mẹ hãy thực hiện cho mình một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho giai đoạn mang thai.

Mẹ bầu cần chú ý đảm bảo các khoáng chất và vitamin để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Bạn có thể thúc đẩy não bộ của bé phát triển bằng cách bổ sung lượng Omega-3 vào thực đơn hàng ngày của mình. Chất này có trong cải bó xôi, các loại đậu, quả hạch và dầu cá, dầu hạt cải, dầu oliu…

Mẹ nên ăn một cây kem lạnh hoặc uống một cốc sữa trước mỗi bữa ăn, như thế sẽ giúp tráng một lớp ngoài bao tử giúp chống lại chứng ợ nóng. Ăn vài món tráng miệng cũng có thể giúp xoa dịu phần nào các triệu chứng khó chịu này.

Người mẹ cần rất nhiều protein, vitamin C, axit folic, và canxi (khoảng 200mg) cho sự phát triển khung xương của thai nhi, vì vậy mẹ nên bổ sung nhiều các thực phẩm giàu các loại dưỡng chất này. Ngoài ra luôn đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ chất sắt, giúp tạo hồng cầu máu cho hệ huyết mạch của thai nhi. Uống viên sắt có thể giúp bổ sung lượng sắt cần thiết cho mẹ và bé. Nó cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như táo bón. Vì thế có thể áp dụng cách bổ sung sắt hiệu quả bằng ăn nhiều các thực phẩm như thịt nạc, rau màu xanh đậm, ngũ cốc và các thực phẩm giàu chất xơ.

Các bệnh thường gặp

Mẹ có thể phải trải qua những cơn đau hoặc các triệu chứng chuột rút ở ngang mông kéo xuống hết chân. Đây là triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa. Nguyên nhân là do bạn đang mang một chiếc bụng quá lớn khiến dây thần kinh bị chèn ép. Mẹ nên tránh nâng vật nặng hoặc uốn người để giảm các triệu chứng gây ra bởi chứng bệnh này. Bạn có thể nằm sải hoặc dán miếng cao dán lạnh để làm dịu cơn đau.

Bạn có thể nhận thấy các cơ tử cung của mình thỉnh thoảng thắt lại. Đây gọi là các cơn co thắt Braxton Hicks, xuất hiện vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Nó kéo dài khoảng 30 giây, không thường xuyên lắm. Bạn nên chú ý những cơn co thắt này kể cả không gây đau đớn bởi vì rất có thể đây là dấu hiệu của sinh non.

Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn bị nhiều hơn 4 cơn co thắt trong 1 giờ hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào khác của sinh non như: tiết nhiều dịch âm đạo hoặc thay đổi dạng dịch (trở nên loãng, giống nhầy hay có máu – kể cả nếu nó có màu hồng hay chỉ thoáng có chút máu), đau bụng hoặc bị chuột rút như khi hành kinh, áp lực gia tăng ở vùng xương chậu hoặc đau thắt lưng.

Bố mẹ cần làm

Mẹ đã bước vào giai đoạn kề cận ngày sinh, hãy lên kế hoạch lựa chọn nơi sinh hoặc kế hoạch cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu chiếc áo ngực hiện tại của bạn quá chật, hãy chọn một chiếc áo ngực mới, chú ý nên chọn loại lớn hơn ít nhất 1 cỡ so với ngực của bạn. Khi có sữa nhiều hoặc cho con bú, bạn sẽ cảm thấy chiếc áo ngực rộng thật dễ chịu.

Nếu bạn chưa thử tập luyện một bài tập nào trong suốt các tháng trước đó thì trong tuần này bạn nên tiến hành một vài bài tập giúp thư giãn, làm mềm cơ, để hỗ trợ cho quá trình chuyển dạ sắp tới.

Bạn có thể thử tham dự lớp yoga đặc biệt dành cho bà bầu. Nó có thể giúp bạn tập thở đều và giúp làm mềm các cơ. Đây là một biện pháp hỗ trợ rất tốt cho quá trình chuyển dạ. Ngoài ra, tập yoga cũng có thể giúp bạn tránh bị căng cơ hoặc chuột rút trong 3 tháng cuối thai kỳ. Hãy chuẩn bị thật kĩ lưỡng trước khi đón bé chào đời bố mẹ nhé.