Thai nhi 24 tuần tuổi

0

Những thay đổi ở thai nhi tuần 24

Ở tuần thai thứ 24 này, cơ thể bé yêu đã trở nên cân đối và bắt đầu mập mạp hơn. Em bé của bạn đã nặng khoảng 600 gram và chiều dài từ đỉnh đầu đến chân xấp xỉ 30 cm. Não bé tiếp tục phát triển tinh vi và phức tạp hơn.

Các giác quan mới chỉ là những mầm non mới nhú cũng đang phát triển nhanh chóng. Do đó tuần này là thời gian cho bé yêu bắt đầu hình thành cá tính. Con ngươi của bé đã xuất hiện màu của mắt, tuy nhiên vẫn chưa hình thành sắc tố.

Phổi của bé đang phát triển và phân ra các nhánh hô hấp. Mạch máu trong hai lá phổi cũng phát triển phân nhánh không ngừng để chuẩn bị cho quá trình hô hấp bên ngoài sau khi bé chào đời. Tuy nhiên do vẫn còn nằm trong bụng mẹ nên việc thở vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào mẹ. Bé được bao phủ bởi một lớp mịn, trắng, da còn mỏng, trong suốt và vẫn còn nhăn nheo. Tai trong đã hoàn thiện giúp bé phân biệt được trạng thái nằm sấp hay nằm ngửa khi bé xoay mình trong túi ối.

Những thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần thứ 24

Những thay đổi của bụng bầu tuần này chưa có gì đáng kể trong khi hình dáng tử cung của bạn đã khá tròn trịa. Bên ngoài của âm đạo cũng đang có sự thay đổi rõ rệt, điều này bạn cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Do các hoocmôn thai nghén dẫn đến những thay đổi dịch trong âm đạo, các hiện tượng đau âm ỉ ở phần dưới của lưng dưới, các cơn co thắt tử cung, áp lực đặt lên khung xương chậu hoặc âm đạo tiết ra chất lỏng cũng dần dần xuất hiện. Kích thước “vùng kín” của bạn tăng lên.

Trong thời gian này, bạn thường xuyên buồn đi vệ sinh, bạn không nên nhịn tiểu vì bạn rất dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Bạn cũng có thể bị chảy máu chút ít do mắc phải bệnh trĩ. Nước ối là môi trường giúp bé di chuyển dễ dàng trong tử cung, giúp điều hòa thân nhiệt của mẹ cũng như cung cấp protein cho bé phát triển khỏe mạnh và trào đời đủ ngày đủ tháng.

Chế độ dinh dưỡng

Sữa cho bà bầu cung cấp rất nhiều dưỡng chất cần thiết như canxi và các loại vitamin khác như A, D… cho mẹ khi mang thai. Nếu mẹ bầu chọn sữa đậu nành cung cấp nguồn năng lượng bổ sung cho cơ thể mỗi ngày thì cần bổ sung thêm các sản phẩm như thịt, cá, rau xanh, hoa quả… để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Ngoài ra bạn cũng nên chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ít đường, ít béo, thường xuyên bổ sung các loại rau xanh trong các bữa ăn hàng ngày để tăng lượng vitamin cung cấp cho cơ thể. Các loại rau phổ biến và tốt cho bà bầu như rau sa lát, rau diếp, đặc biệt là rau dền. Loại rau này chứa nhiều protid, glucid, vitamin và chất khoáng, hàm lượng vitamin A rất cao cộng thêm các vitamin B (1, 6, 12), C, PP rất có lợi cho phụ nữ mang thai.

Uống nước lọc thường xuyên để cho cơ thể mẹ bầu ổn định thân nhiệt, giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng thêm các loại nước ép trái cây để tăng lượng vitamin cho cơ thể như nước dừa, nước cam hay sinh tố bơ…

Các bệnh thường gặp

Mẹ bầu có thể thấy mình mệt mỏi, uể oải và thiếu sinh lực, tuy nhiên, khi mang thai mẹ vẫn phải tiếp tục công việc của mình nên không thể nghỉ ngơi ngay lập tức. Bạn có thể ăn thêm hoa quả hoặc uống sữa để giúp cơ thể tạo ra sức đề kháng giúp cơ thể thoải mái hơn.

Bạn có thể bị chảy máu chân răng khi đánh răng, đây là một trong những hiện tượng thường gặp ở các bà bầu. Hoocmon thai kỳ đã làm cho lợi của bạn dễ bị sưng, viêm, dẫn tới thường xuyên chảy máu, đặc biệt là khi bạn vệ sinh răng miệng. Điều bạn cần làm lúc này là đánh răng và dùng chỉ tơ nha khoa thường xuyên. Đừng sợ chảy máu chân răng mà không chăm sóc răng miệng vì điều đó chỉ làm tình trạng tồi tệ hơn.

Một số người cũng thường gặp chứng nghẹt mũi hoặc chảy máu cam thường xuyên hơn trong thời gian mang thai. Các nhà nghiên cứu cho rằng triệu chứng này xuất hiện do những thay đổi trong tuần hoàn và cả những thay đổi ở hooc-mon trong thời kỳ mang thai. Điều này khiến màng nhầy ở mũi và đường hô hấp dễ bị sưng tấy và dễ chảy máu hơn. Do đó, bạn tránh dùng tay để lấy gỉ mũi hay tránh va chạm mạnh với mũi.

Bố mẹ cần làm

Bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu để phát hiện bệnh tiểu đường trong thời kì thai nghén. Nếu lượng đường trong máu của bạn được bác sĩ nhận định là bất thường, bạn nên kiểm tra thêm. Bệnh tiểu đường thường gặp đối với phụ nữ mang thai, tuy nhiên nếu như bệnh này không được chữa trị kịp thời, thai phụ sẽ rất khó khăn khi đẻ thường. Nguyên nhân là do bệnh tiểu đường làm cho thai nhi phát triển quá lớn, đặc biệt là ở phần thân trên. Nó cũng khiến làm trẻ sau khi sinh bị tăng khả năng hạ đường huyết.

Cần thường xuyên kiểm tra huyết áp để đề phòng nguy cơ huyết áp cao dẫn tới tiền sản giật.

Mẹ cần lựa chọn loại áo ngực cho phù hợp với kích cỡ ngực, tốt hơn là hơi rộng và thấm hút tốt. Ngực mẹ sẽ tiếp tục lớn lên và càng lớn hơn khi có sữa, mẹ nên lưu ý để chọn những chiếc áo ngực vừa vặn nhất để có được sự thoải mái sau khi sinh.

Các ông bố nên quan tâm tới vợ mình nhiều hơn, giúp mẹ bầu làm các công việc nhà. Giảm tránh tối đa stress cũng như tình trạng khiến mẹ bầu căng thẳng hay cảm thấy tủi thân.