Ho mọc tóc ở bà bầu: Nguyên nhân và cách chữa trị an toàn, hiệu quả

0

Ho mọc tóc không phải là nỗi lo đáng ngại nếu mẹ bầu nắm rõ nguyên nhân, cách chữa và cách phòng tránh để giữ gìn sức khỏe cho chính mình và cho thai nhi.

Nguyên nhân gây ra ho mọc tóc ở mẹ bầu

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ho dai dẳng ở mẹ bầu, quan niệm dân gian cho rằng đó là ho mọc tóc, nhưng sự thật là việc mọc tóc của thai nhi hoàn toàn không hề liên quan gì đến tình trạng ho của người mẹ. Những nguyên nhân chính sau đây sẽ là lời giải đáp để bác bỏ quan niệm hoàn toàn sai lầm ấy của dân gian:

– Trong quá trình mang thai, nội tiết tố trong cơ thể người mẹ có sự thay đổi lớn, làm cho sức đề kháng của mẹ bầu bị suy giảm, nên dễ dàng bị lây nhiễm virut, vi khuẩn từ môi trường hoặc từ người đối diện thông qua quá trình tiếp xúc, gây ra viêm họng và viêm đường hô hấp ở mẹ bầu. Ngoài ra, sự thay đổi thời tiết (do thời tiết thất thường) hoặc do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (do điều hòa) cũng khiến cho nguy cơ này tăng cao.

– Bên cạnh đó, khi mang thai, dịch nhầy tăng lên đáng kể, khiến mẹ bầu bị nghẹt mũi, ho ( cả ho khan và ho có đờm). Màng nhầy sau đó bong ra, không được xử lí đúng cách sẽ trôi xuống cổ họng gây viêm họng và viêm hô hấp cấp. Dù căn bệnh này không quá nguy hiểm nhưng nếu không biết cách chăm sóc bản thân sẽ rất dễ tái đi tái lại, gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ tới người mẹ và thai nhi.

– Sự phát triển của thai nhi cũng làm cho tử cung to ra, chèn lên các bộ phận nội tạng, trong đó đặc biệt là dạ dày khiến dịch dạ dày trào ngược cũng gây viêm họng cho mẹ bầu.

Cách chữa ho mọc tóc ở mẹ bầu

– Khi có triệu chứng ho, hoặc sốt mẹ bầu nên đến ngay trung tâm ý tế gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ, tránh tuyệt đối việc tự điều trị và tự ý mua thuốc bên ngoài dễ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Cần tuân theo đơn thuốc của bác sĩ vì ngay cả những loại thuốc kháng sinh, hạ sốt nhẹ nhất cũng ảnh hưởng đến hai người mẹ và thai nhi.

– Nên tiến hành ngậm hoặc súc miệng với nước muối ít nhất 2 lần/ngày để sát khuẩn, góp phần làm cho bệnh nhanh khỏi. Mẹ bầu cũng có thể duy trì thói quen này hằng ngày để duy trì sự sạch sẽ, tránh viêm ở cổ họng và khoang miệng.

– Xông khí dung mũi họng với nước muối sinh lý hoặc tinh dầu bạc hà, hoặc các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.

Một số mẹo dân gian mẹ bầu có thể tham khảo:

-Trị ho bằng nghệ

Lấy một nửa cốc nước nóng cho một ít muối vào sau đó cho nửa thìa bột nghệ. Khuấy đều và uống ngày một lần, uống khoảng 3 ngày. Cách này rất hiệu quả để bảo vệ họng khỏi bị viêm.

Hoặc nếu bị đau họng do ho thì mẹ bầu có thể pha 1 thìa bột nghệ vào một cốc sữa và đun lên. Nhấp ít một sữa nóng vào sáng và tối sẽ hạn chế được ho và đau họng.

-Trị ho bằng quất

Thái lát mỏng 3 – 4 quả quất đã rửa sạch vỏ, bỏ hạt, cho vào chén, đổ mật ong ngập phần quất, trộn đều và đem hấp hoặc chưng cách thủy 10 – 15 phút. Sau đó để nguội và dùng dần, mỗi ngày uống khoảng 2 – 3 lần với 1- 2 thìa cà phê. Khi uống có thể thêm vài hạt muối, không nuốt ngay mà nên ngậm 5 giây trong miệng, để quất trôi từ từ qua cổ họng, giúp giảm viêm họng, giảm ngứa rát, khan tiếng.

-Trị ho bằng lê

Lê sau khi gọt vỏ cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn trộn với đường phèn và bỏ vào đun cách thủy, sau đó ăn dần giúp giảm bớt các cơn ho triền miên ở bà bầu.

-Trị ho bằng mật ong hấp lá hẹ

Lấy 3 – 5 nhánh lá hẹ, rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ, cho vào bát. Đổ mật ong ngập lá, trộn đều, đem hấp hoặc đun cách thủy cho tới nhuyễn. Cách sử dụng tương tự mật ong hấp quất.

Cách phòng tránh ho và viêm đường hô hấp

– Nên giữ gìn sạch sẽ chân tay, luôn mang theo bên người dung dịch sát khuẩn để tránh tối đa sự lây nhiễm vi khuẩn từ môi trường.

– Tăng cường vệ sinh phòng ngủ, giữ cho phòng luôn thông thoáng, sạch sẽ.

– Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin thông qua rau quả tươi. Đặc biệt nên ăn tỏi bởi không những tỏi có tác dụng tăng sức đề kháng mà còn kháng viêm rất hữu hiệu.

Chúc các mẹ bầu luôn khỏe mạnh và sinh con an toàn!