Thai nhi 32 tuần tuổi

0

Thay đổi ở thai nhi tuần thứ 32

Ở tuần thai 32, bé có cân nặng khoảng 1,7kg và cao khoảng 42,4cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Bạn có thể biết được ngôi thai đã thuận hay chưa qua hình ảnh siêu âm. Ngôi thai thuận tức là bé đã xoay đầu xuống phía dưới. Từ tuần này trở đi, lượng nước ối có xu hướng giảm dần, nên cơ thể bé sẽ nằm gọn giữa tử cung mẹ, không trôi nổi tự do như trước kia nữa. Hệ thống xương của bé lúc này đã cứng cáp hơn rất nhiều ngoại trừ xương hộp sọ.

Xương sọ của bé phải đủ mềm để trượt qua tử cung của mẹ trong ngày chuyển dạ. Độ mềm và đàn hồi của hộp sọ giúp cho bé dễ dàng chui qua ống sinh. Hệ miễn dịch của bé đã được trang bị hoàn hảo để chống lại các loại bệnh nhiễm khuẩn ở môi trường mới khi chào đời.

Móng tay, móng chân giờ cũng đã cứng, nhọn hơn các tuần trước. Làn da nhăn nheo của bé giờ đây đã không còn nữa, thay vào đó là một cơ thể phổng phao. Nguyên nhân là do sự phát triển không ngừng của lớp mỡ dưới da. Các hệ thống thần kinh, tiêu hóa, bài tiết vẫn liên tục phát triển chuẩn bị cho một cơ thể mới hoàn toàn độc lập.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần 32

Tử cung của bạn bây giờ đã bị đẩy lên gần cơ hoành và che phủ hầu hết dạ dày của bạn, hậu quả là gây ra chứng ợ nóng và khó thở. Lượng máu của bạn cũng đã tăng lên 40-50% kể từ khi có thai.

Những dây thần kinh chạy qua đường ống tay, ống chân có thể bị bó chặt, gây nên cảm giác tê cứng, ngứa ran, đau nhói hay đau âm ỉ. Bé lớn nhanh mỗi ngày nên bàng quang của mẹ phải chịu áp lực rất lớn từ chiếc bụng cồng kềnh. Do đó mẹ sẽ thường xuyên phải ghé thăm nhà vệ sinh hơn.

Do bé liên tục thay đổi tư thế, hay đạp vào bụng bạn nên bạn cảm thấy hơi đau. Tuy nhiên sẽ thật hạnh phúc khi bạn nhìn thấy nhưng ngón chân bé xíu của bé hằn lên qua lớp da bụng của mình.

Nhiều phụ nữ thường cảm thấy bị đau lưng trong suốt thời gian mang thai, nguyên nhân là do dây chằng hông bị giãn khiến cho các khớp xương hông không thể làm việc như bình thường. Hội chứng này được gọi là rối loạn màng dính xương mu (SPD) và thường gây ra cảm giác rất đau cho mẹ.

Chế độ dinh dưỡng

Một vấn đề hết sức quan trọng trong giai đoạn này là bạn phải cân bằng chế độ dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể, chú ý việc hấp thu sắt, canxi, protein, vitamin,….

Lượng calo cung cấp cho cơ thể cũng nên được duy trì điều độ như những tháng trước đây. Tuy nhiên nếu như bạn đang tăng cân quá nhanh, bạn nên có kế hoạch để kìm hãm lượng calo cung cấp cho cơ thể như ăn thêm các loại rau, tránh nhiều đường, nhiều mỡ để phòng thai nhi quá to, gây khó khăn cho việc sinh nở.

Nếu cảm thấy cơ thể không thể hấp thụ chất dinh dưỡng, hoặc không muốn ăn, bạn hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày ra nhé. Bạn có thể bổ sung thêm chất dinh dưỡng bằng ăn thêm một số các món ăn nhẹ như snack, hoa quả…Bạn cần tránh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối, natri, hoặc các đồ ăn nguội, chứa nhiều dầu mỡ như: xúc xích, thịt nướng, thịt muối…

Nên bổ sung nhiều nước mỗi ngày, tốt nhất là 8 cốc/ngày. Ngoài ra bạn cũng nên bổ sung các loại vitamin và dưỡng chất như vitamin C, B, A hoặc canxi, sắt…

Các bệnh thường gặp

Trong tuần này, mẹ bầu thường mắc phải chứng tăng huyết áp, và tiền sản giật. Tất cả các chứng bệnh này là do cơ thể bạn đang bị chèn ép trong khoảng thời gian dài. Bạn cũng cảm thấy đau, thậm chí tê cứng ở các ngón tay, cổ tay và bàn tay. Một số các triệu chứng cơ bản của thời kì thai nghén như ợ nóng, táo bón vẫn dai dẳng bám theo bạn. Hãy cố gắng chịu đựng thêm một chút xíu nữa thôi, bạn sắp tới đích rồi.

Ngoài ra, bạn vẫn không thể nào ngủ ngon trong giai đoạn này. Hãy thử cách nằm nghiêng người xem có dễ ngủ hơn chút nào không bạn nhé.

Bố mẹ nên làm

Bố mẹ nên thường xuyên theo dõi các hoạt động của bé. Bạn nên thử tính xem phải mất bao lâu bạn mới cảm thấy bé chuyển động rõ rệt đủ 10 lần: đá, ngọ nguậy, và cử động toàn bộ cơ thể.

Tiếp tục các bài tập thể dục nhẹ nhàng, đến các lớp học tiền sản thường xuyên để chia sẻ kinh nghiệm cũng như bồi dưỡng thêm một số các kiến thức về nuôi trẻ sơ sinh. Điều đặc biệt quan trọng trong tuần này là bạn cần đi khám thai và siêu âm 4 chiều. Đây là mốc quan trong cuối cùng để kiểm tra sức khỏe của thai nhi và mẹ, kịp thời phát hiện nhưng bất thường muộn ở thai nhi để chủ động trong mọi tình huống.

Mẹ có thể bắt đầu chuẩn bị những gì mình muốn làm cho bé ngay từ lúc này như giặt drap giường, thu dọn bếp, trang trí lại nhà cửa. Chú ý không nên làm những việc quá nặng gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Hãy chuẩn bị chào đón bé trong ngôi nhà thật đẹp và ấm áp của mình bạn nhé.