Tư thế ngủ an toàn cho mẹ bầu

0

Một tư thế ngủ an toàn và thoải mái không chỉ giải cứu mẹ bầu khỏi chứng mất ngủ mà còn đảm bảo sức khỏe cho bé. Cùng với đó, bạn cũng nên chú ý hơn mỗi khi thay đổi tư thế. An toàn là trên hết, mẹ nhé!

Khi đang mang thai, việc tìm một giấc ngủ thoải mái càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Sau một ngày dài mệt mỏi, lưng của bạn như muốn rời ra, cẳng chân nhức và bụng thì to như thể chiếm trọn không gian của chiếc giường. Nhưng ngay cả lúc này đây, bạn cũng cần nhớ trong đầu: giữ cho mình một tư thế an toàn nhất.

Hạn chế nằm sấp

Cần tránh tạo áp lực lên phần bụng của bạn. Đặc biệt, từ sau tháng thứ 5 thì bạn cần phải tạm biệt tư thế nằm sấp. Thực ra, mẹ bầu nào cũng lo lắng cho con và chẳng cần phải nhắc nhở thì các mẹ đều tự động tránh tư thế nằm này.

Nằm ngửa: Nên và không nên

Đừng nghĩ rằng không nằm sấp đồng nghĩa với việc bạn được khuyên nằm ngửa. Từ sau tuần thứ 16 của thai kỳ, bạn nên giảm tần suất nằm ngửa của mình lại. Tử cung đang mở rộng với sức nặng của thai nhi ngày một tăng lên sẽ chèn ép động mạch chủ, là mạng lưới dẫn máu từ phần chi dưới về tim. Điều này có thể gây ra huyết áp thấp, làm tình trạng thận hiện hữu trở nên xấu đi, gây giãn tĩnh mạch và phù nề nhiều hơn đồng thời tăng nguy cơ bệnh trĩ.

Trong một số trường hợp, thai nhi cũng không lấy đủ oxy nếu mẹ ngủ ở tư thế này. Người mẹ có thể cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, thở gấp trước khi biến chứng xảy đến với thai nhi. Theo bản năng, bé cũng sẽ có phản ứng mạnh mẽ khi cảm thấy mình không được thoải mái, bằng cách đạp hay cử động mạnh để đánh thức và làm cho mẹ đổi tư thế.

Nằm nghiêng: Tư thế lý tưởng

An toàn và được khuyến khích nhiều nhất, bạn nên chọn tư thế nằm nghiêng, đặc biệt là nghiêng bên trái vì nó giúp tối ưu lượng máu mà bé nhận được. Nếu bạn đang nằm sai tư thế? Đơn giản, hãy lăn người lại và bạn có thể thấy rằng mọi thứ đã ổn hơn rồi đấy!

Lưu ý cách nằm xuống và ngồi lên

Dù nằm hay ngồi, bạn cũng không nên vội vã. Muốn nằm xuống, bạn cần ngồi xuống giường, thở một vài hơi để hệ thống tuần hoàn quen với tư thế mới. Tiếp đến, chống một tay lên mặt giường để đỡ bớt trọng lượng cơ thể, xoay người để đưa chân lên giường. Nhớ chống tay ở bên hông để ngăn bạn không rơi khỏi giường, nghiêng người rồi từ từ co chân đồng thời hạ thân người xuống cho đến khi bạn nằm hoàn toàn trên giường.

Khi muốn ngồi lên, bạn cần nằm nghiêng lại, chống một tay ở phía hông, hai chân bắt chéo, từ từ nâng cơ thể lên đến khi ngồi thẳng.

Với sự cẩn thận trong suốt quá trình mang thai, bạn sẽ tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc làm tổn hao sức khỏe, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của mình lẫn bé yêu. Hãy để con yêu ra đời với một sự chuẩn bị hoàn hảo nhất nhé.