Thai nhi 36 tuần tuổi

0

Những thay đổi ở bé

Đến tuần thai thứ 36 bé yêu của bạn chủ yếu tăng về cân nặng, chiều dài chỉ nhích chút xíu, bé nặng khoảng 2,6 kg và cao khoảng 47,4 cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Những sợi tóc lơ thơ xuất hiện dày hơn trên đầu bé. Khuỷu tay, chân và đầu bé có thể nổi lên trên bụng của mẹ khi bé đạp hay ngọ ngoạy.

Tuần này, bé của bạn đã được coi là đủ tháng, các cơ quan trong cơ thể đã hoàn thiện chức năng của mình. Do nước ối đang dần giảm đi và do bé yêu của bạn đã quá lớn chiếm hầu hết khoảng không trong tử cung của mẹ nên bé đã bớt hiếu động hơn. Tuy nhiên, bé vẫn luôn nhắc nhở mẹ về sự có mặt của mình bằng việc đạp vào bụng mẹ hoặc vươn vai.

Hầu hết các bé lúc này đã quay đầu xuống dưới, chỉ có một vài trường hợp thai nhi ngược. Bạn có thể hỏi bác sĩ để có thêm lời khuyên bổ ích cho trường hợp này. Nếu như bạn có sinh bé trong tuần thai thứ 36 này, đừng lo lắng vì bé yêu của bạn đã có thể tự thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ rồi đó.

Những thay đổi của mẹ khi mang thai 36 tuần

Suốt quá trình mang thai bạn tăng lên khoảng 11 đến 15 kg. Điều này hoàn toàn bình thường, hãy giữ mức cân nặng ở mức này trong vài tuần tiếp theo bạn nhé. Nếu bạn tăng cân quá, việc sinh nở sẽ vô cùng khó khăn.

Bạn cảm thấy cơ thể dường như đã căng hết cỡ, tử cung đã mở rộng gấp 1.000 lần so với lúc ban đầu và chạm tới tận xương sườn. Bạn cảm giác chiếc bụng của bạn không có một khoảng trống nào và nó không thể nào to thêm được nữa.

Dinh dưỡng cần thiết

Bệnh thiếu canxi vẫn luôn là nỗi lo với mọi bà mẹ. Do đó bạn nhất thiết phải bổ sung đẩy đủ lượng canxi cung cấp cho cơ thể. Các loại thực phẩm chứa nhiều canxi như tôm, cua, cá, trứng, sữa. Bạn nên bổ sung những loại thực phẩm này trong các bữa ăn hàng ngày.

Bổ sung chất xơ cho mẹ và bé cũng cần quan tâm đặc biệt. Bạn nên ăn thêm nhiều loại rau có màu xanh đậm, thực phẩm chứa nhiều vitamin C, giàu vitamin A (khoai lang, cà rốt…). Một điều quan trọng nữa là bạn đừng quên uống thật nhiều nước trong ngày nhé.

Mặc dù khi này, bạn không muốn ăn bất kỳ thứ gì, nhưng đây là giai đoạn nước rút, bạn nên nghĩ cho sức khỏe của mình và bé, hãy tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể bạn nhé.

Những bệnh thường gặp

Mẹ bầu vẫn còn cảm giác chóng mặt, hay tê buốt cổ chân, cổ tay. Nguyên nhân vẫn là do thai nhi trong bụng bạn quá to, áp lực chèn ép lên các mao mạch, các đường gân khiến lượng máu không được lưu thông điều hòa.

Hiện tượng phù nề do cơ thể mẹ tích nước vẫn tiếp tục xuất hiện. Bạn còn có thể bị trêu là “chân voi” nữa. Các nốt đỏ tím và chuột rút vẫn chưa biến mất. Nguyên nhân là do chứng giãn tĩnh mạch thời kì mang thai. Bên cạnh đó, những vấn đề về răng miệng như viêm lợi vẫn thường trực khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Bạn đừng quá lo lắng, hãy cố chịu đựng thêm một chút nữa, các hiện tượng này sẽ biến mất sau khi bạn sinh em bé một vài tuần.

Bố mẹ nên làm gì?

Đây là khoảng thời gian bạn nên luyện thở đặc biệt là vào các buổi chiều. Việc này giúp bạn làm quen với việc rặn khi sinh để đỡ tốn sức. Các ông bố tương lai cũng có thể mát xa bụng vợ, vừa giúp mẹ được thoải mái vừa giúp gia tăng tình cảm vợ chồng cũng như tình cảm cha con thêm gắn bó.

Một việc khác mà các bà mẹ nên học hỏi lúc này là học cách quấn tã – điều này sẽ giúp các bé mới chào đời cảm thấy an toàn, giống với trạng thái khi bé ở trong bụng mẹ. Hãy tìm mua cho mình những chiếc áo ngực dành cho phụ nữ cho con bú thật phù hợp (size, kiểu dáng) để giúp bạn không bị bẩn quần áo khi cho con bú cũng như xinh đẹp hơn sau khi sinh.

Hãy đến bác sĩ để xác định sự hoàn thiện của chức năng phổi, xem bé có bị suy hô hấp không. Có 2 phương pháp là kiểm tra PG, chất này có nhiều trong nước tiểu của mẹ. Một phương pháp cũng được áp dụng để kiểm tra sự hoàn thiện của phổi là xác định tỷ lệ L/S. Đây là phương pháp so sánh tỷ lệ chênh lệch giữa lecithin tăng lên và sphingomyelin giữ nguyên.

Đều quan trọng cuối cùng là bạn nên chuẩn bị sức khỏe và tinh thần thật tốt cho ngày chuyển dạ.