Điểm danh 10 lỗi sai phổ biến khi chăm trẻ sơ sinh

0

Lần đầu làm mẹ, hẳn bạn nhận được không ít lời khuyên từ những người xung quanh, từ việc cho bé ăn đến cách chăm trẻ sơ sinh những ngày đầu… Cẩn thận bạn nhé! Không phải thói quen chăm trẻ nào cũng đúng, nhất là với 10 kinh nghiệm sau

Lo lắng thái quá cùng với sự thiếu kinh nghiệm là nguyên nhân làm nhiều mẹ dễ mắc sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Đặc biệt, lưu ý 10 lỗi sai thường gặp khi chăm trẻ sơ sinh dưới đây để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như kìm hãm sự phát triển của con trong những năm tháng đầu đời, mẹ nhé!

Sai lầm 1: Rút ngắn thời gian bú mẹ

Không chỉ chứa nhiều dưỡng chất tuyệt vời cho sự phát triển của trẻ sơ sơ sinh, cho bé bú mẹ còn giúp tăng cường hệ miễn dịch của bé. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên cho con bú hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Thậm chí, nếu muốn mẹ có thể kéo dài thời gian này đến 24 tháng sau sinh.

Sai lầm 2: Cho bé ăn dặm quá sớm

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ chỉ nên bắt đầu tập cho bé ăn dặm, khi trẻ đã được 5-6 tháng tuổi. Khác với suy nghĩ của nhiều mẹ, ăn dặm sớm không giúp bé mau lớn, bụ bẫm mà ngược lại sẽ gây ảnh hưởng không tốt đối với hệ tiêu hóa của trẻ. Bởi lúc này, hệ tiêu hóa của bé còn rất yếu, chỉ quen với việc tiêu hóa sữa. Cho bé ăn dặm sớm, dù ăn bột hay nước cơm cũng có thể làm bé bị tiêu chảy, nôn trớ, đi ngoài phân sống… Lâu ngày dẫn đến bị viêm ruột già, đi tiểu ra máu, sinh ra rối loạn tiêu hóa.

Sai lầm 3: Không tắm cho trẻ sơ sinh vì sợ lạnh

Không cần tắm hàng ngày nhưng trẻ sơ sinh vẫn cần được tắm để tránh nhiễm khuẩn và bảo đảm vệ sinh. Mẹ nên tắm cho bé khoảng 1-3 lần/ tuần. Lưu ý, để tránh làm con nhiễm lạnh, mẹ không nên để bé tắm quá lâu, không quá 5 phút. Với những bé trên 3 tháng tuổi, thời gian tắm có thể dài hơn, khoảng 10 phút để bé tập làm quen với nước. Ngay sau khi tắm cho bé, mẹ nên ủ ấm và xoa dầu cho bé, đề phòng nhiễm lạnh, cảm cúm.

Sai lầm 4: Đưa trẻ đến bệnh viện trễ

Trẻ sơ sinh, nhất là những bé dưới 2 tháng tuổi bị sốt nhưng không được đưa đến bệnh viện kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe: co giật, mất nước, biến chứng về hô hấp và tim mạch, rối loạn đông máu, di chứng thần kinh, vận động…, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Sai lầm 5: Sử dụng phấn rôm sai cách

Có khả năng thấm hút cao, phấn rôm được sử dụng để trị rôm sảy, phòng ngừa hăm tã cũng như giữ cho da bé luôn khô thoáng. Tuy nhiên, thoa phấn rôm quá nhiều, nhất là vào thời điểm mùa hè nóng nực có thể gây bít lỗ chân lông, dẫn đến dị ứng da. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý không nên đổ phấn trực tiếp lên da bé, đồng thời tránh quạt, cửa sổ để tránh làm bé hít phải bột phấn, gây thương tổn đến phổi.

Sai lầm 6: Quấn khăn quá chặt

Bên cạnh những lợi ích tuyệt vời, quấn khăn cho bé cũng có thể dẫn đến những nguy cơ sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc quấn khăn cho bé có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi lên 4 lần, đồng thời làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển hông của trẻ.

Sai lầm 7: Thường xuyên cắt tóc máu của trẻ

Quan niệm dân gian cho rằng việc cắt tóc máu thường xuyên sẽ kích thích, giúp tóc bé mọc nhanh hơn. Tuy nhiên, điều này không đúng hoàn toàn mẹ nhé! Xét về góc nhìn y khoa, việc cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh là việc làm không an toàn. Phải đến khi hơn 1 tuổi, thóp của trẻ mới bắt đầu liền, mới có thể cắt tóc máu an toàn cho trẻ. Nếu cắt tóc sớm hơn, các động tác cắt tóc có thể làm tổn thương da đầu bé. Hơn nữa, khi thóp chưa liền, sự làm mỏng tóc đi không có lợi cho việc giữ ấm thóp.

Sai lầm 8: Lấy mật ong rơ lưỡi cho trẻ

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ em dưới 12 tháng tuổi không nên sử dụng mật ong thô hoặc mật ong chưa tiệt trùng dưới bất kỳ hình thức nào. Với hệ tiêu hóa còn non nớt của mình, trẻ em dưới 1 tuổi rất khó có thể vô hiệu hóa sự tác động của bào tử botulism, có khả năng gây nhiễm độc botulism.

Sai lầm 9: Cho bé nằm than cùng mẹ

Theo quan niệm dân gian, nằm than sẽ giúp giữ ấm cơ thể, giúp bé sơ sinh và sản phụ cứng cáp hơn. Tuy nhiên, theo khoa học, nằm than sau sinh không những không lợi mà còn gây hại cho cả mẹ và bé.

Khi than đốt lên sẽ phóng ra một lượng khí CO2 quanh quẩn trong phòng, làm mẹ và bé hít phải gây ngạt, ngộ độc, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Thậm chí, nhiều trường hợp bé sơ sinh có thể bị bỏng do tiếp xúc trực tiếp với lò than.

Sai lầm 10: Hôn bé quá nhiều

Được nhiều người quan tâm, âu yếm bé là một điều hạnh phúc. Tuy nhiên, mẹ cũng nên hạn chế, không để quá nhiều người hôn lên mặt bé cưng. Cơ thể bé còn rất non yếu, kháng thể trong người rất kém, do đó việc được nhiều người hôn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp ở bé.