Thai nhi 16 tuần tuổi

0

Thay đổi ở thai nhi tuần thứ 16

Tuần thai thứ 16, bé bắt đầu xuất hiện những cơn nấc cụt liên tục. Điều đó đánh dấu sự hoạt động của chức năng hít thở của thai nhi. Tuy nhiên, khí quản của bé lúc này toàn chất lỏng chứ chưa phải là khí nên những tiếng này rất nhỏ và bạn không thể nghe thấy.

Mắt của bé lúc này vẫn chưa đủ hoàn thiện để mở ra, chúng mới chỉ có vài hoạt động như đảo mắt từ bên này sang bên kia.

Lớp da của bé đã bắt đầu dày hơn, móng tay và móng chân phát triển tương đối tốt. Hiện nay, tất cả các cơ và khớp của bé đã có thể vận động, mặc dù không linh hoạt cho lắm.

Trong những tuần này, bé đã bắt đầu nhào lộn, đá, thúc ở trong bụng mẹ. Đây cũng là cách tập thể dục để giúp bé tăng trưởng mỗi ngày.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần 16

Huyết áp của mẹ ở thời điểm này hạ thấp hoặc ở mức bình thường, cũng có thể gây ra những cơn choáng hoặc hoa mắt. Ngực của mẹ thường có cảm giác căng đầy và sa thấp xuống bụng. Đây cũng là một điều dễ hiểu vì mẹ đang chuẩn bị cho bé một bầu sữa ngon nhất, đầy đủ nhất trong những ngày sắp tới khi bé chào đời.

Lúc này, mẹ cảm thấy mình nhanh đói hơn, cảm giác thèm ăn diễn ra mỗi ngày. Đây là một tín hiệu tốt hãy sẵn sàng đón nhận nó mẹ nhé.

Mẹ cũng đã bắt đầu tăng cân khá nhanh, bất kỳ chỗ nào trên cơ thể như mặt, đùi, mông cả cơ hoành cũng giãn rộng ra mỗi ngày. Tốt hơn hết mẹ nên giữ cân nặng tăng ở mức 13kg-15kg suốt thai kỳ. Lúc này tâm trạng của mẹ thường cảm thấy chán nản, thất vọng một chút, điều này có là do sự biến đổi hooc-môn của giai đoạn thai kỳ.

Hệ miễn dịch của bạn lúc này sẽ có chút thay đổi dù không đáng kể cho lắm. Vì thế, bạn nên lưu ý rằng bạn có thể dễ bị ho và cảm lạnh hơn lúc bình thường. Cần tránh tự ý sử dụng thuốc kháng sinh vì nó sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho mẹ và bé. Tốt hơn, bạn nên thăm khám bác sĩ để có được phương pháp điều trị hiệu quả nhất mà không ảnh hưởng tới em bé trong bụng.

Chế độ dinh dưỡng

Thai nhi đang trong thời kỳ phát triển, đặc biệt là xương và răng nên cần một lượng lớn canxi. Thai phụ phải tăng cường lượng canxi cung cấp cho cơ thể để đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Mẹ bầu có thể tìm nguồn canxi tự nhiên bằng cách ăn nhiều cá, trứng, hạnh nhân, vừng, thịt nạc,…

Ngoài ra, bạn nên uống khoảng 500–600 ml sữa cho bà bầu mỗi ngày để bổ sung lượng canxi tốt nhất cho mẹ và bé. Mang thai ở thời kỳ này rất dễ bị thiếu máu, do đó thai phụ cần phải chú ý bổ sung thêm chất sắt. Nếu trong nguồn phực phẩm hàng ngày vẫn còn thiếu, mẹ bầu có thể bổ sung lượng sắt cho cơ thể bằng việc uống viên sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Trong giai đoạn này, việc hấp thu chất xơ là rất quan trọng. Chất xơ có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa chứng táo bón trong thời kỳ mang thai. Vậy nên, mẹ bầu nên sử dụng nhiều loại thực phẩm chứa chất xơ trong bữa cơm hàng ngày như rau màu xanh, hoa quả tươi…

Một vài loại thức ăn tốt cho sức khỏe mẹ bầu như gà hầm hạt sen, chim bồ câu hầm nấm hương, khoai tây nướng phô mai, tôm tươi xào rau hẹ, rau chân vịt, đậu phụ rán…

Ngoài ra bạn cũng nên uống nhiều nước lọc để loại bỏ độc tố trong cơ thể, cũng  như bổ sung nguồn chất khoáng cho cơ thể mẹ và bé.

Các bệnh thường gặp

Trong tuần này, mặc dù các biểu hiện của ốm nghén đã không còn nhưng mẹ bầu vẫn có thể cảm thấy hoa mắt chóng mặt do các biểu hiện của hạ đường huyết.

Các biểu hiện của bệnh táo bón sẽ diễn ra liên tục trong các giai đoạn này của thời kì mang thai nên bạn không nên lo lắng lắm về sức khỏe mẹ và bé. Để tránh cảm giác khó chịu do bệnh gây ra bạn nên uống nhiều nước, sử dụng nhiều các loại nước ép hoa quả chứa vitamin C, ăn nhiều rau xanh.

Bố mẹ cần làm

Mẹ bé nên thường xuyên đến thăm khám bác sĩ để phát hiện và điều trị sớm các biểu hiện bất thường của bé. Quan tâm tới sinh hoạt của bản thân sao cho luôn luôn trong tình trạng thoải mái, không gò bó, tránh áp lực. Bạn nên tham gia các khóa học tiền sản để có những hiểu biết cần thiết để chăm sóc con mình thật tốt.

Chuẩn bị trước quần áo sơ sinh cho thiên thần nhỏ sắp chào đời của mình. Bạn cũng có thể xin quần áo trẻ sơ sinh của người thân để tiết kiệm phần nào chi phí sau khi sinh bé. Bên cạnh đó, việc bạn thường xuyên nói chuyện với em bé trong bụng là một biểu hiện tốt cho mối dây gắn kết giữa bạn và bé sau này.