Chứng ngứa sần trong thai kỳ

0

Nguyên nhân

Nguyên nhân thông thường: Khi mang thai, mẹ bị ngứa ở các vùng bụng, ngực, hông, đùi là do tăng cân quá nhiều làm da bị căng và rạn.

Ngoài ra, khi mang thai, làn da mẹ trở nên mẫn cảm hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu mẹ không đảm bảo việc giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, da mẹ cũng rất dễ bị ngứa. Da mẹ cũng có thể phản ứng khi tiếp xúc với các chất lạ.

Nguyên nhân khác: Bên cạnh những nguyên nhân gây ngứa thông thường, mẹ cũng có thể bị ngứa do một số bệnh như bệnh bóng nước thai kỳ, ứ mật thai kỳ và viêm da sần ngứa. Bệnh có thể chữa khỏi nhưng sẽ tái phát lại trong những thai kỳ sau.

Những người vốn có cơ địa dị ứng càng dễ bị mẩn ngứa khi mang bầu. Sự thay đổi hormone trong thai kỳ khiến cơ thể nhạy cảm hơn với các kích thích.

Các triệu chứng ngứa có thể do bệnh



Bệnh bóng nước thai kỳ: Nguyên nhân là do kháng nguyên xuất hiện trong thai kỳ đọng lại ở da rồi giải phóng các yếu tố hóa học vào da, gây nổi mẩn dạng bọt nước.

Các mẩn đỏ có thể lan đến niêm mạc miệng, âm đạo và nhiều vùng da khác trên cơ thể.

Viêm da sần, ngứa thai kỳ: Da nổi mảng đỏ có những nốt sần đường kính 3–5mm mọc ở bụng, trên xương mu, 2 bên sườn. Những mảng đỏ này không lan lên mặt và thường mất hết sau sinh.

Mẹ có thể điều trị bằng thuốc làm dịu da.

Ứ mật thai kỳ: Mẹ bị ngứa do ứ mật trong gan. Càng gần ngày sinh, những cơn ngứa càng dữ dội và sẽ nhanh chóng khỏi hẳn sau sinh.

70% phụ nữ có thai ở tuần 28–32 bị mắc bệnh này. Bệnh không chỉ làm mẹ ngứa ngáy, khó chịu mà còn làm mẹ mất ngủ, tổn thương da do gãi, da và niêm mạc hơi vàng. Mẹ còn rất mệt mỏi và nôn ói.

Khi có những triệu chứng này, mẹ cần đi khám và điều trị theo yêu cầu của bác sĩ. Triệu chứng này có thể gây sinh non nếu mẹ chủ quan.

Ngứa kèm ban nổi trên bụng: Mẹ có thể đang đối mặt với một tình trạng gọi là polymorphic eruption of pregnancy (PEP) – triệu chứng ngứa, nổi ban trên bụng bầu nhưng thường là vô hại. Dấu hiệu này phổ biến trong 3 tháng cuối cùng. PEP có liên quan nhiều đến làn da bị kéo căng ở bụng bầu. Nó có khả năng ảnh hưởng đến mẹ, nếu mẹ:

  • Mang thai lần đầu tiên.
  • Mang đa thai.
  • Tăng cân nhiều.PEP thường bắt đầu với một phát ban ngứa ngáy trên bụng, sau đó lan xuống bắp đùi, đặc biệt là ngứa ở những vết rạn da. Ở vùng da ngứa, có thể xuất hiện các cục u nhỏ màu đỏ và các khu vực bị viêm da.

    Một số phương pháp điều trị khác nhau cho PEP, bao gồm các loại kem steroid, moisturisers và thuốc kháng histamine. Tốt nhất, nên đi khám để xem bác sĩ quyết định mẹ dùng loại thuốc gì.

Ngứa chân: Do sự gia tăng của estrogen trong suốt thai kỳ, nhiều phụ nữ bị ngứa da, có thể bao gồm ngứa chân.

Chân bị ngứa có thể bởi một số lý do:

Do bàn chân của mẹ trở nên nóng hơn trong thời kỳ mang thai. Điều này khiến chân đổ mồ hôi thường xuyên hơn và gây ngứa.

Ngứa chân có thể do tăng bài tiết muối từ gan khi có bầu.

Nếu ngứa trở nên đau đớn và không giảm, hãy tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ vì nó có thể là dấu hiệu của chứng ứ mật sản khoa.

Đối phó với chân ngứa trong thai kỳ: Hãy chắc chắn rằng mẹ dưỡng ẩm chân thường xuyên, ngâm chân trong nước lạnh và không tác động làm chân đau, ngứa nhiều.

Mang giày dép rộng rãi để chân mẹ “thở” được, nếu không chân sẽ bị nóng và ngứa tồi tệ hơn. Khi chân bị ngứa, có thể chà chân với chiếc lược sạch hình tròn (hay oval) để dễ chịu.

Eczema: Gây ngứa trong các nếp gấp của da, chẳng hạn ở bên dưới đầu gối hay khuỷu tay. Các bệnh khác gây ngứa là ghẻ và nấm. Ghẻ là một kích ứng gây ngứa da do một loại ve cực nhỏ ẩn náu trên da.

Tốt nhất mẹ nên đi khám khi ngứa không thuyên giảm, nhất là khi mẹ chỉ ngứa ở một chỗ hoặc nổi ban kèm ngứa.

Điều trị


Ngứa thường khỏi hẳn sau khi mẹ sinh vài tuần. Tuy nhiên những triệu chứng ngứa do bệnh thường sẽ tái phát lại.

Với những triệu chứng ngứa do nguyên nhân thông thường, có nhiều cách để điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị thường chỉ tập trung làm giảm triệu chứng chứ không thể dứt hẳn các triệu chứng này.

Khi da bị ngứa, mẹ có một phản xạ tự động là đưa tay lên gãi. Phản xạ này giúp làm dịu cơn ngứa tạm thời. Nhưng việc gãi nhiều và gãi quá mạnh sẽ làm da mẹ bị tổn thương, dễ bị nhiễm trùng và có thể trở thành những vết chàm trên da.

Tốt nhất là mẹ nên dùng nước sạch để tắm rửa hàng ngày. Mẹ nên hạn chế dùng hóa chất trực tiếp lên da, đặc biệt vùng da bị ngứa. Tuy nhiên mẹ có thể dùng xà phòng loại axit pH=4,5 nếu da chưa bị tổn thương. Kết hợp thoa các chất béo như dầu hạnh nhân cũng làm giảm bớt các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu.

Mẹ cũng có thể dùng một số loại kem chống rạn, dưỡng ẩm da để cải thiện triệu chứng ngứa. Cần lưu ý phải đặc biệt nhẹ nhàng khi bôi kem lên vùng bụng để tránh gây các cơn co thắt tử cung, dẫn đến nguy cơ sinh non.

Trong trường hợp mẹ ngứa nhiều, mẹ cũng có thể chọn biện pháp châm cứu để giúp giảm bớt các sự ngứa ngáy, khó chịu.

Để giảm bớt các triệu chứng ngứa, bác sĩ có thể cho mẹ uống một số loại thuốc như H1, H2 (polaramine, atarax) hoặc dùng thuốc làm giảm sự ứ đọng cholesterase thai kỳ, thuốc an thần, giảm bồn chồn lo lắng… Dù mẹ dùng loại thuốc nào cũng đều cần có sự theo dõi cẩn thận của bác sĩ. Đặc biệt là tránh sử dụng poloramine trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

Nếu mẹ thấy ngứa nhiều, tốt nhất mẹ nên đi khám da liễu để được tư vấn đầy đủ và điều trị thích hợp.

Phòng tránh ngứa thai kỳ

Để tránh tình trạng ngứa thai kỳ, mẹ nên giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc thoáng để tránh ra mồ hôi nhiều.

Vào mùa đông, mẹ nên tắm bằng nước ấm chứ không quá nóng vì có thể kích ứng các cơn ngứa. Vào mùa hè, mẹ tắm bằng nước mát và để da khô tự nhiên.

Mẹ nên chọn loại sữa tắm dịu nhẹ, ít kích ứng hoặc không kích ứng dành cho da mẫn cảm. Mẹ cũng không nên tiếp xúc với các chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm, đặc biệt là các loại có hương thơm.

Nếu sữa tắm của mẹ không phải là loại giữ ẩm cho da, mẹ nên bôi thêm kem giữ ấm dạng gel ngay sau khi tắm, lúc da còn hơi ướt.

Mẹ cũng nên cắt móng tay thường xuyên, giữ tay sạch và không nên gãi mạnh để tránh làm tổn thương da.

Uống ít nhất 10 cốc nước không chứa caffein mỗi ngày cũng giúp mẹ tránh được sự ngứa ngáy khi mang thai.