Thai nhi 34 tuần tuổi

0

Thay đổi ở thai tuần thứ 34

Sang tuần thai 34, em bé của bạn đã nặng khoảng 2,2kg và cao khoảng 45cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Sự phát triển của bé đến thời điểm này xem như là đã hoàn thiện. Từ tuần này em bé của bạn sẽ liên tục tăng cân cho đến lúc bạn chuyển dạ. Toàn thân bé bao phủ bởi một lớp lông mềm, nó giúp bảo vệ và giữ ấm cho cơ thể bé.

Lúc này, thai nhi đã xoay ngược đầu xuống dưới cổ tử cung của bạn rồi. Xương hộp sọ của thai nhi vẫn chưa gắn kết thực sự với nhau, các mảnh xương sọ vẫn rời nhau để bé có thể dễ dàng đi qua cổ tử cung của mẹ. Các phần xương khác trong cơ thể của bé đang ngày càng cứng cáp. Thận cũng như toàn bộ các cơ quan khác đều trên đà phát triển và hoàn thiện các chức năng. Gan của bé đã bắt đầu thải độc.

Khi đi siêu âm, nếu may mắn, bạn có thể nhìn thấy thiên thần nhỏ của mình đang mỉm cười. Tuy nhiên những lần này rất hiếm hoi, và sẽ quay trở lại khi bé chào đời khoảng 4-6 tuần. Một số vết chàm sẽ xuất hiện trên mặt, mông bé. Nguyên nhân là do sự thay đổi bất thường của một số tế bào trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần thứ 34

Tử cung lúc này đã chạm đến khung xương sườn và ép lên các cơ quan nội tạng khác khiến mẹ gặp nhiều khó chịu đặc biệt là bàng quang. Đây là nguyên nhân khiến mẹ thường xuyên phải đi vào nhà vệ sinh. Chân, tay, mặt và mắt cá chân của bạn có thể hơi bị phù nề do việc giữ nước của cơ thể.

Rốn của mẹ bầu nhô hẳn lên phía trên, việc này đôi khi làm bạn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Bạn có thể dùng gạc để che lại phần bị nhô ra của chiếc rốn để tránh bị ngứa ngáy do rốn của bạn tiếp xúc với môi trường bên ngoài

Ngực của mẹ vẫn tiếp tục to ra, cứng hơn do tuyến sữa phát triển mạnh mẽ. Lúc này sữa non chảy ra đã khá nhiều rồi. Bạn có thể dùng miếng lót thấm để tránh sữa non làm ướt và bẩn áo.

Chế độ dinh dưỡng

Nếu mẹ bầu xuất hiện cảm giác thèm ăn vặt, đừng lo lắng hay băn khoăn liệu rằng bạn có nên hạn chế chúng lại không? Hãy tự do ăn những gì mà mình thích bởi đây là thời điểm bạn cần bồi bổ sức khỏe cho giai đoạn nước rút. Hãy chọn những món giàu đạm, chất xơ, canxi, sắt, vitamin B và C như khoai tây nướng, súp lơ… Ngoài ra bạn có thể dự trữ một ít đồ ăn vặt này trong tủ lạnh, khi nào cảm thấy đói thì hâm nóng chúng lên và bạn có thể ăn ngay.

Đừng quên rau củ quả và những loại thức ăn giàu chất xơ trong các bữa ăn hàng ngày bạn nhé. Chế độ ăn này sẽ giúp bạn hạn chế được tối đa các triệu chứng khó chịu do ợ nóng, táo bón, hạ huyết áp, giãn tĩnh mạch gây ra suốt giai đoạn này. Bạn nên bổ sung thêm sữa chua, nước hoa quả ít đường để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Bổ sung các loại dưỡng chất và vitamin như sắt, canxi, vitamin A, B, C, D, E…giúp mẹ và bé có một cơ thể khỏe mạnh, chuẩn bị cho những ngày khó khăn trước mắt.

Các bệnh thường gặp

Tình trạng nổi các mẩn ngứa trên da vẫn xuất hiện. Mặc dù các triệu chứng mẩn ngứa, nổi mề đay này không gây hại cho mẹ và bé, nhưng chúng gây cho mẹ cảm giác khó chịu, bức bối.

Triệu chứng phù nề, giãn tĩnh mạch vẫn luôn luôn thường trực khiến mẹ cảm thấy thật sự kiệt sức, mệt mỏi.

Bố mẹ nên làm

Đừng quên đi khám thai mỗi tuần để chủ động đối phó với những thay đổi của mẹ và bé bạn nhé!

Bố mẹ nên cùng nhau luyện tập một số bài thể dục nhẹ nhàng hoặc đến các lớp học tiền sản để chia sẻ những kiến thức sinh đẻ hoặc nuôi dưỡng con nhỏ. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi một số kinh nghiệm như để giảm bớt cơn đau trong lúc chuyển dạ, bạn hãy nhìn chằm chằm vào một thứ gì đó hoặc như khi sinh con bạn nên ăn rau ngót để sạch nhau…

Hãy nói chuyện thường xuyên với con để con quen với giọng của mình, hoặc lưu lại những hình ảnh của con khi con đang trong bụng mẹ vì những giây phút tuyệt vời này sẽ không còn xuất hiện lâu nữa. Hãy cảm nhận những thú vị tuyệt vời của thời kì tam cá nguyệt cuối nhé.