Những thức uống tốt cho bà bầu và các lưu ý cần nhớ

0

Thức uống đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho cơ thể bà bầu và bổ sung thêm nhiều vitamin và dưỡng chất giúp bà bầu khỏe mạnh, rạng rỡ hơn. Dưới đây là những thức uống cực tốt bà bầu nên tham khảo:

Những thức uống tốt cho bà bầu

  1. Nước lọc

Dù mang thai hay không thì nước vẫn luôn là một trong những chất lỏng quan trọng nhất của cơ thể cũng như duy trì chức năng của các cơ quan nội tạng. Đặc biệt, đối với cơ thể phụ nữ có thai, nước có vai trò quan trọng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi từng ngày của cơ thể. Nước duy trì thân nhiệt, làm mát cơ thể, đặc biệt là trong những tháng nóng nực, ẩm ướt; giúp giảm thiểu được tình trạng ốm nghén, ợ nóng và khó tiêu, táo bón, trĩ. Thiếu nước khi mang thai có thể dẫn tới những hậu quả như đau đầu, buồn nôn, chuột rút, phù nề và chóng mặt, kích thích dạ con dẫn tới sẩy thai trong 3 tháng đầu. Ngoài ra, nước còn giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm niệu đạo, một hiện tượng rất phổ biến khi có thai. Nếu bà bầu uống đủ nước, nước tiểu sẽ loãng hơn, giảm nguy cơ viêm nhiễm. Nước cũng là thành phần thiết yếu trong sữa mẹ cũng như hỗ trợ quá trình tiết sữa. Các nghiên cứu cho thấy mẹ uống nước đủ giúp tăng lượng nước ối quanh bào thai; giúp mẹ đi tiểu đều, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu; đảm bảo nhu cầu máu tăng cao trong cơ thể mẹ và tránh mất nước khi mẹ đổ mồ hôi. Một số nhà khoa học tin rằng, uống không đủ nước làm tăng nguy cơ ngôi ngược, dây rốn quấn cổ và tăng nồng độ của phân su trong chất lỏng. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO gợi ý phụ nữ mang thai uống khoảng 4l nước lọc mỗi ngày (tăng thêm 0,5l nếu đang cho con bú). Và không nên lạm dụng nước vì có thể nguy hiểm nếu uống nước quá nhiều.

  1. Nước mía

Các nghiên cứu đã cho thấy, ngoài thành phần cơ bản là các loại đường chiếm khoảng 70%, nước mía còn chứa nhiều canxi, đồng, magie, kali, sắt…, các loại vitamin A, B, C và gần 30 axit hữu cơ khác, những loại chất cần thiết cho quá trình mang thai của mẹ. Vì vậy, mía không những có vị ngọt dễ chịu hợp với khẩu vị mọi người mà còn cung cấp cho cơ thể năng lượng và những chất dinh dưỡng cần thiết. Việc dùng nước mía có thể giúp tăng nước ối, cung cấp năng lượng và dinh dưỡng chống tình trạng chậm tăng cân ở thai nhi và sụt cân ở những bà bầu nghén nặng. Một số bà bầu dùng nước mía còn thấy giảm triệu chứng nghén và táo bón. Bởi kali có trong nước mía giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm ở dạ dày. Tuy nhiên không phải vậy mà các bà bầu sử dụng nước mía thay thế hoàn toàn các loại nước uống khác như nước lọc, sữa… Vì việc nạp quá nhiều nước mía làm mẹ bầu dễ tăng cân quá mức, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm. Tính lạnh và hàm lượng đường cao cũng là nguyên nhân khuyến cáo người có hệ tiêu hóa yếu, hay đi lỏng không nên sử dụng thường xuyên. Đặc biệt an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm bởi đây là thức uống thu hút nhiều loại côn trùng bay tới, là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Do vậy để đảm bảo vệ sinh, bà bầu nên tự mua mía về ép hoặc mua nước mía sạch ở những cửa hàng đảm bảo vệ sinh. Nước mía mới ép nên uống ngay, không để lâu nước mía lên men, chuyển màu biến chất.

  1. Nước dừa

Nước dừa chứa rất nhiều vitamin A, vitamin B, khoáng chất giúp tăng cường hoạt động cơ bắp và ngăn ngừa tình trạng táo bón, ợ hơi trong thai kỳ. Đặc biệt, nước dừa sẽ bổ sung lượng chất lỏng và muối bị hao hụt trong cơ thể bà bầu, có tác dụng tốt cho ối thai phụ. Ngoài ra, nước dừa chứa rất nhiều axit lauric có tác dụng chống vi khuẩn, virut, tăng cường sức đề kháng cho bà mẹ và thai nhi. Đây là điều vô cùng quan trọng bởi cơ thể bà bầu vốn nhạy cảm và hệ miễn dịch rất yếu.

Một số lưu ý cho bà bầu khi uống nước dừa là:

  • Hạn chế uống nước dừa trong 3 tháng đầu tiên, nhất là những bà bầu ốm nghén nặng.
  • Không nên uống nước dừa vào buổi tối.
  • Không nên uống quá nhiều. Đặc biệt, không nên coi nước dừa là loại thức uống thay thế nước lọc.
  • Bà bầu có huyết áp thấp nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống nước dừa.
  • Đối với tháng cuối trong thai kỳ, nên uống nước dừa vào buổi sáng và uống 2 lần/ tuần để nhận đủ dinh dưỡng và đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
  1. Sinh tố hoa quả

Sinh tố là một loại thức uống rất tốt cho bà bầu, vì sinh tố không chỉ dễ làm mà còn bổ sung lượng nước và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Sữa kết hợp với các loại trái cây như chuối, táo, lê, bơ… pha trộn vào nhau trở thành một loại đồ uống cực hấp dẫn với khẩu vị của các mẹ. Một ly sinh tố cung cấp đầy đủ canxi, protein và chất xơ… sẽ giúp cơ thể bà bầu xua tan đi những mệt mỏi, khó chịu, tạo sự hưng phấn và cung cấp thêm năng lượng cho một ngày mới.

  1. Nước ép trái cây, rau củ quả

Các loại nước ép trái cây là lựa chọn tuyệt vời cho bà bầu, vừa giúp bổ sung lượng nước cho cơ thể, vừa cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết. Tuy nhiên nước ép trái cây chỉ cung cấp chất dinh dưỡng nhưng lại thiếu đi lượng chất xơ cần thiết. Vì vậy, bà bầu có thể kết hợp uống nước ép trái cây cùng rau củ quả vừa bổ sung chất xơ và vitamin cho cơ thể, vừa giúp đẩy lùi táo bón – một trong những nỗi lo lớn nhất của các bà bầu.

  1. Sữa

Không chỉ giải quyết cơn khác của mẹ bầu, sữa còn là nguồn cung cấp vitamin D và canxi cho thai nhi phát triển một cách khỏe mạnh. Thậm chí, một số loại sữa bầu hiện nay còn được tăng cường thêm những dưỡng chất có lợi cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi như DHA, ARA, cholin… Vì thế bà bầu hãy cố gắng uống sữa để em bé được khỏe mạnh nhé. Nếu bà bầu đang thừa cân, béo phì hoặc lo lắng về chứng bệnh tiểu đường thai kỳ, có thể sử dụng sữa tươi không đường và ít chất béo vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Tuy nhiên, tất cả những sản phẩm từ sữa cần phải được tiệt trùng và đảm bảo vệ sinh nhé!

Một số lưu ý khi dùng thức uống cho bà bầu:

Việc bổ sung nước trong thai kỳ có vai trò rất quan trọng với sức khỏe bà bầu và thai nhi. Tuy nhiên, nếu uống nước không hợp lý, không đúng thời điểm có thể gây tác dụng phụ. Vì vậy, bà bầu cần lưu ý:

  • Bà bầu không nên uống quá nhiều nước, vượt quá mức quy định sẽ gây quá tải cho thận.
  • Không nên uống 1 loại nước ép trái cây liên tục, nhiều lần trong ngày. Nên thường xuyên thay đổi các loại nước ép để bổ sung đầy đủ chất trong thai kỳ.
  • Với các loại nước ép từ trái cây nên ngâm rửa sạch bằng nước muối trước khi sử dụng để đảm bảo loại bỏ các vi khuẩn, chất hóa học bám trên bề mặt trái cây.
  • Nên uống nước trái cây vào buổi sáng để cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.
  • Tìm hiểu kỹ nguồn gốc trái cây trước khi chế biến thành nước ép, không uống nước có nguồn gốc không rõ ràng vì có thể gây ngộ độc thai nhi.
  • Một số thức uống không tốt các bà bầu cần lưu ý tránh xa là: rượu bia, cà phê, đồ uống có ga, cồn, nước chè, nước lạnh… bởi chúng có thể làm thai nhi tổn thương, sảy thai tự nhiên hoặc thai nhi sinh ra sức đề kháng yếu, và chậm phát triển hơn những trẻ bình thường.

Tóm lại, cũng giống như thực phẩm, những thức uống bà bầu nạp vào cơ thể mỗi ngày cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe các mẹ theo chiều hướng tốt lên hoặc xấu đi. Do đó, các bà bầu cần có kiến thức về những thức uống tốt cho bản thân mình để đảm bảo sức khỏe cũng như bảo vệ bé yêu trong suốt thời kỳ mang thai nhé!