Biểu hiện của thiếu máu thai kỳ và cách phòng tránh

0

Biểu hiện của thiếu máu trong thai kỳ

Hai biểu hiện đầu tiên của chứng thiếu máu là khó thở và mệt mỏi vì máu đóng vai trò vận chuyển oxy trong cơ thể.

Ngoài ra người bị thiếu máu da cũng tái xanh, cảm thấy khó chịu trong người, tinh thần bứt rứt dễ nổi giận, thường cảm thấy đau đầu. Hơn nữa cơ thể cũng dễ nhiễm bệnh hơn bình thường. Niêm mạc mắt cũng trở nên nhợt nhạt hơn.

Ngay cả khi mẹ bầu ăn uống đầy đủ thì nguy cơ thiếu máu vẫn tồn tại. Do đó việc cần đi khám định kì thai nhi là cần thiết để phòng tránh bệnh thiếu máu thai kỳ.

Nguyên nhân gây thiếu máu thai kỳ

Hồng cầu ở trong máu có thể giảm một cách bất ngờ do sự tăng trưởng của bé. Đặc biệt nếu mẹ mang đa thai thì càng dễ gây ra sự giảm hụt này hơn.

Khi mẹ mang thai, thể tích máu trong cơ thể cũng tăng lên gấp 1,5 lần so với bình thường. Chính sự gia tăng này cũng khiến cho lượng hồng cầu không kịp bổ sung.

Thai kỳ của mẹ quá gần khiến cho cơ thể không kịp tái tạo và dự trữ hồng cầu cũng gây ra tình trạng thiếu máu.

Nếu mẹ mắc các bệnh lý liên quan đến máu như bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm… thì cũng gây ra chứng thiếu máu.

Ngoài ra mẹ bầu bị thiếu máu là do các thành phần tham gia, ảnh hưởng đến quá trình tạo máu trong cơ thể như: sắt, vitamin B12, axit folic đã không được cung cấp đủ thông qua bữa ăn hàng ngày.

Hiện tượng xuất huyết như hành kinh, dọa sẩy thai… đều gây ra chứng thiếu máu.

Những ảnh hưởng nếu mẹ bầu bị thiếu máu

Thường thiếu máu trong thai kỳ không ảnh hưởng lớn đến thai nhi. Bé chỉ có nguy cơ bị sinh non hoặc bị nhẹ cân sau sinh.

Nhưng ngược lại thiếu máu thai kỳ có tổn hại rất lớn đến mẹ. Mẹ có nguy cơ mất máu nhiều sau sinh, dễ rơi vào trầm cảm. Đặc biệt, xuất huyết hậu sản nếu nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng của mẹ.

Phòng tránh thiếu máu trong thai kỳ

Thiếu máu trong thai kỳ, phòng bệnh dễ hơn chữa bệnh. Vì vậy mẹ bầu cần phải bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tạo sắt trong suốt thai kỳ của mình.

Mẹ bầu cần bổ sung thêm 18 – 27mg sắt mỗi ngày. Sắt có trong thịt đỏ và các loại rau xanh đậm, lòng đỏ trứng gà, thịt nạc bò, nho khô, chà là, quả sung, quả mơ, bông cải xanh, mật mía, bột yến mạch, uống viên sắt tổng hợp theo chỉ định của bác sĩ.

Theo đó, để sắt được hấp thu tốt nhất mẹ nên:

– Uống sắt khi đói và không nên uống trà hay cà phê sau và trước đó, tránh gây ức chế hấp thụ sắt của cơ thể.

– Thời gian uống sắt tốt nhất là giữa hai bữa ăn để tăng tính hấp thụ. Khi quên uống theo lịch thì nên bỏ qua ngày đã quên, không nên uống bù.

– Để việc hấp thu và chuyển hóa sắt tốt hơn, mẹ nên tăng cường những thực phẩm có chứa vitamin C trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình.

Lưu ý khi uống viên bổ sung sắt có thể gây ra một số bất tiện cho mẹ bầu như tình trạng táo bón, bị xót ruột hay buồn nôn. Đây là những triệu chứng bình thường, mẹ bầu không cần lo lắng. Hãy cố gắng cải thiện tình trạng này bằng cách uống đủ nước, bổ sung rau và trái cây vào thực đơn của mình và tăng thêm thời gian vận động nhẹ nhàng cho cơ thể.