Bị chuột rút khi mang thai – nguyên nhân và cách khắc phục

0

Bị chuột rút khi mang thai là triệu chứng mẹ bầu thường gặp trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Không chỉ gây khó chịu, đau đớn mà còn khiến chị em cảm thấy lo lắng, vì trong giai đoạn nhạy cảm này mọi tác động đến người mẹ đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

  1. Nguyên nhân khiến mẹ bầu thường hay bị chuột rút (vọp bẻ)

Tăng cân: trọng lượng cơ thể tăng lên, gây áp lực lên các cơ bắp ở chân dẫn đến hiện tượng chuột rút. Những cơn đau rút có thể xảy ra cả ngày lẫn đêm, nhưng thường xuất hiện nhiều và nặng hơn lúc về đêm nên dễ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Dây chằng bị kéo căng: vào đầu thai kỳ, bà bầu thường bị ốm nghén, nôn ói, tiêu chảy… không ăn uống được nhiều khiến cơ thể thiếu dưỡng chất, mất nước, mất cân bằng điện giải… dẫn đến chứng co cứng cơ. Đồng thời, khi thai lớn dần lên, tử cung mở rộng để tạo chỗ cho bé nằm, các cơ và dây chằng nâng đỡ tử cung bị kéo căng. Các tĩnh mạch cung cấp máu cho tử cung cũng bị đè gây nên các cơn đau nhức, co rút ở vùng bụng.

Thiếu canxi: trong giai đoạn mang thai, nhất là những tháng cuối thai kỳ nhu cầu canxi của cơ thể tăng cao để cung cấp cho sự phát triển của bé. Khi lượng canxi không đủ, cơ thể mẹ có xu hướng tự rút canxi để truyền cho bé. Thiếu canxi khiến cơ bắp mẹ đau nhức, dễ căng cứng cơ, co rút,…

  1. Bị chuột rút khi mang thai có nguy hiểm không?

Mẹ bầu bị chuột rút cũng là chuyện rất bình thường, tuy nhiên không ngoại trừ khả năng đó là triệu chứng báo hiệu nguy cơ sẩy thai. Trong vài trường hợp, khi bị chuột rút kèm theo các triệu chứng như: ra máu, bị nổi mụn không ngừng và ngày càng tăng lên, đau mạnh ở bụng hay trên đỉnh vai, nhiệt độ cơ thể tăng cao, gặp vấn đề khi tiểu tiện, thì khả năng sẩy thai là rất cao. Ước tính trong 4 ca bị chuột rút khi mang thai thì có 1 ca bị sẩy. Nguyên nhân có thể do sự đột biến nhiễm sắc thể, hoặc do trứng thụ tinh không nằm đúng trong tử cung mà lại nằm ở đâu đó trong khung xương chậu. Nếu bà bầu nào đang gặp tình trạng trên thì hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và chữa trị kịp thời.

  1. Cách khắc phục khi bà bầu bị chuột rút

Để ngăn chặn và khắc phục tình trạng bị chuột rút lúc mang bầu, chị em cần bổ sung đầy đủ lượng canxi, và magie cần thiết từ thực đơn hàng ngày. Từ tuần thai thứ 20 trở đi, hàm lượng canxi mẹ cần cung cấp mỗi ngày là 1200 – 1500 mg và khi nhu cầu canxi tăng lên. Mẹ có thể bổ sung thêm bằng cách uống viên canxi tổng hợp theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Cùng với đó là chế độ tập luyện thể dục mỗi ngày, giúp hệ vận động nói chung và cơ bắp nói riêng trở nên linh hoạt, máu lưu thông tốt hơn như đi bộ, tập yoga…. Ngoài ra, bà bầu cũng tránh tình trạng đứng hay ngồi một chỗ quá lâu, khiến tình trạng bị chuột rút khi mang thai nặng nề hơn.

Massage nhẹ nhàng từ đùi đến bắp chân, mắt cá chân, các ngón chân, lòng bàn chân để máu được lưu thông tốt hơn, các cơ cũng được thư giãn và hoạt động tốt hơn. Kê chân lên gối mềm khi nằm là giải pháp tốt cho các bà bầu bị chuột rút.

Ngoài ra, mẹ bầu cần ăn uống đủ chất đặc biệt là cung cấp nước mỗi ngày để tránh bị mất nước, mất cân bằng điện giải gây co cứng cơ. Khi đang bị chuột rút, mẹ có thể xoa bóp, tắm nước ấm hoặc đặt túi chườm nóng/lạnh lên vùng bị đau, tuy nhiên không được chườm lên bụng.

Bị chuột rút khi mang thai dù được xem là thường xảy ra, cũng là hiện tượng bình thường đối với chị em. Song, ảnh hưởng của nó là không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày, nhất là giấc ngủ. Điều này có thể khiến sức khỏe của cả mẹ và bé đều không được đảm bảo. Vì thế, ngay từ đầu thai kỳ, mẹ cần tìm hiểu thật kĩ về chứng bệnh này, sẽ phần nào bổ trợ kiến thức mang thai, cũng như giúp chị em có cách phòng ngừa hiệu quả.