Uống sắt khi mang thai có thực sự cần thiết?

0

Rất nhiều thực phẩm giàu sắt mẹ bầu có thể thêm vào thực đơn hàng ngày của mình. Vậy, việc uống sắt khi mang thai liệu có còn cần? Dư thừa sắt có gây nguy hiểm cho sức khỏe?

Nếu ăn uống đầy đủ, đa dạng các nhóm chất, bà bầu không cần uống bổ sung bất kỳ loại thuốc bổ nào. Tuy nhiên, để phòng tránh dị tật thai nhi cũng như phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ có thể đề nghị bà bầu uống bổ sung sắt và a-xít folic.

Trong thời gian mang thai, cơ thể bạn sẽ cần gấp đôi lượng sắt mới có thể tạo đủ lượng máu cần thiết cung cấp cho cả mẹ và bé cưng trong bụng. Thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng giữa sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ sinh non, và gấp 3 nguy cơ thai nhi nhẹ cân. Thiếu sắt cũng làm mẹ bầu dễ mệt mỏi hơn bình thường.

Chất sắt có nhiều trong thực phẩm như thịt, các loại rau lá xanh, các loại đậu… Tuy nhiên, dù ăn uống đầy đủ, bạn cũng khó có thể hấp thu lượng sắt đủ nhu cầu hàng ngày. Đó chính là lý do vì sao các chuyên gia khuyến khích nên uống sắt khi mang thai. Với viên sắt hàm lượng 60 mg sắt nguyên tố, mỗi ngày bạn nên uống 1 viên, liên tục từ lúc mang thai đến khi sinh con 1 tháng.

Nếu được chẩn đoán thiếu máu, bạn có thể được đề nghị uống bổ sung 120 mg nguyên tố sắt và 400mcg a-xít folic hàng ngày cho đến khi hồng cầu trong máu trở lại bình thường. Lúc này, tùy theo tình trạng sức khỏe, bác sĩ có thể cho bạn quay lại liều “chuẩn” từ 30-60mg nguyên tố sắt. Bà bầu nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng quá nhiều thuốc sắt, bởi thừa sắt cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Uống sắt khi mang thai và những tác dụng phụ mẹ nên biết

  1. Táo bón

Đây là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất. Khoảng 10% phụ nữ uống bổ sung sắt khi mang thai bị táo bón. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế tình trạng này bằng cách ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước.

  1. Kích thích tiêu hóa

Cũng có khoảng 10% bà bầu gặp phải tình trạng đau bụng, khó chịu bụng khi uống bổ sung sắt. Nếu nhận thấy tình trạng này, bạn có thể thử uống sắt trong bữa ăn để giảm bớt triệu chứng.

  1. Buồn nôn và nôn

Trong một vài trường hợp, uống sắt khi mang thai có thể làm tình trạng ốm nghén thêm nghiêm trọng. Nếu nôn ói là vấn đề, bạn nên uống sắt trong bữa ăn thay vì để dạ dày trống rỗng. Nếu vẫn nôn ói nhiều kèm sốt, bạn nên đến bệnh viện ngay.

  1. “Sản phẩm” có màu lạ

Khi uống bổ sung sắt, nhiều mẹ nhận thấy phân và nước tiểu của mình thường có màu sẫm hơn. Mẹ không cần quá lo với tình trạng này. Mọi thứ sẽ trở lại bình thường ngay khi bạn ngưng dùng thuốc.

Uống thuốc sắt như thế nào mới đúng?

 

– Thời điểm

Cơ thể hấp thụ sắt tốt nhất khi dạ dày trống. Tuy nhiên, nếu chờ bụng đói cồn cào mới uống thuốc sẽ không tốt cho sức khỏe mẹ và bé. Vì vậy, tốt nhất nên chờ 1-2 giờ sau bữa ăn sáng, trưa hoặc tối. Tránh uống cùng lúc với can-xi hoặc thức uống chứa caffein, bởi hai chất này sẽ làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể. Nếu thường xuyên bị ợ nóng, bà bầu nên tránh uống sắt trước khi đi ngủ.

– Thuốc sắt cho bà bầu: Loại nào tốt?

Trên thị thường hiện nay có nhiều loại thuốc sắt: sắt kết hợp vitamin tổng hợp, sắt kết hợp a-xít folic, sắt đơn độc. Lưu ý: Thuốc sắt dưới dạng sắt hữu cơ sẽ dễ hấp thụ hơn, đồng thời cũng hạn chế được các tác dụng phụ như kích thích tiêu hóa, táo bón.

Ngoài ra, để cơ thể hấp thu tối đa lượng sắt, bầu cũng nên lưu ý những điều sau:

– Vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ sắt. Vì vậy, khi bổ sung sắt, bầu cũng nên tăng cường thực phẩm giàu vitamin C trong thực đơn của mình.

– Cơ thể hấp thu lượng sắt từ động vật: thịt heo, bò, gà… tốt hơn so với lượng sắt trong thực vật: rau chân vịt, đậu hũ, các loại ngũ cốc, đậu… Vì vậy, nếu đang theo chế độ ăn chay, nhất là chay trường, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được theo dõi nồng độ sắt trong máu. Khi ăn thực phẩm giàu sắt, cố gắng ăn cùng với thực phẩm giàu vitamin C để hấp thụ sắt tốt hơn.

– Không ăn các thực phẩm giàu chất sắt với sữa, trà hay cà phê vì chúng làm giảm khả năng của cơ thể hấp thụ chất sắt. Chẳng hạn, nếu ăn ngũ cốc tăng cường sắt cho bữa sáng, bạn nên chọn nước cam, thay vì cà phê.