Thai nhi 37 tuần tuổi

0

Những thay đổi của bé ở tuần thai thứ 37

Mặc dù 3 tuần nữa mới đủ chín tháng mười ngày khi mang thai một em bé, nhưng đến tuần này em bé của bạn cũng đã được coi là đủ tháng rồi. Em bé của bạn đã nặng khoảng 2,8 kg và cao khoảng 48,6 cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân.

Các tế bào da của bé đang ngày càng hoàn thiện. Trông bé yêu của bạn bây giờ thật phổng phao và hồng hào. Tóc đã xuất hiện khá nhiều nhưng màu tóc của bé khi này không giống lắm so với màu tóc của cha mẹ. Các sợi tóc trông giống như là các sợi lông tơ vậy.

Hầu hết các cơ quan trong cơ thể bé đều đã hoàn thiện và có thể hoạt động độc lập. Điều quan trọng nhất trong tuần này là hệ thống cơ quan hô hấp của bé đã hoàn thiện hoàn toàn, và có thể bắt nhịp với môi trường bên ngoài bụng mẹ.

Toàn bộ cơ thể bé bây giờ được bao phủ bởi một lớp chất nhờn. Bé đã có khoảng 300 chiếc xương, trong khi người lớn chỉ có 206 chiếc. Hầu hết hệ thống xương trong cơ thể bé như xương ống tay, ống chân, xương cột sống đều đã cứng cáp, nhưng bộ xương sọ của bé thì chưa cứng lắm. Tất cả những điều này giúp bé có thể dễ dàng chui ra ngoài trong ngày mẹ chuyển dạ.

Những thay đổi của mẹ ở tuần thai thứ 37

Trọng lượng cơ thể bạn không tăng là mấy so với vài tuần trước. Mức cân nặng thích hợp với mẹ khi này là tăng trong khoảng từ 12 đến 15 kg. Tử cung của mẹ cũng giữ ở kích thước tương đương, không khác nhiều so với các tuần trước. Khoảng cách từ tử cung của mẹ tới các khớp dính là 37 cm, và từ tử cung tới rốn khoảng 17 cm.

Chứng tiêu chảy và buồn nôn do sự thay đổi của các hormone thai kỳ đang dần dần biến mất để chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn sinh nở. Dạ dày của mẹ bầu lúc này đã bớt bị chèn ép nên thở và ăn uống đã trở nên dễ dàng hơn.

Cảm giác bao trùm lên bạn cũng như gia đình bạn bây giờ là lo lắng xem chừng nào bé sẽ ra đời và cảm giác hạnh phúc vì bạn sắp nhận được thành quả trong suốt 9 tháng vất vả. Một thiên thần bé bỏng và đáng yêu biết chừng nào sẽ sớm xuất hiện trong căn nhà của bạn. Do đó mẹ cũng cảm thấy mình khó ngủ hơn, mệt mỏi hơn. Nhưng mẹ hãy cố gắng lên nhé. Mẹ sắp thành công rồi.

Dinh dưỡng cần thiết

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu đến tuần này vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ calo, chất dinh dưỡng và các vitamin cần thiết cho cơ thể. Bạn nên tích cực bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều canxi để tránh bệnh thiếu canxi cho mẹ và bé. Các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như trứng, sữa, các loại tôm cá nhỏ ăn cả vỏ, các loại rau củ như đậu đỗ…

Bạn nên ăn những loại thức ăn tươi, nóng sốt, được nấu chín và đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn nên tránh uống rượu hoặc những chất kích thích như café hay những loại nước ngọt có ga. Thay vào đó bạn có thể uống các loại nước hoa quả có pha thêm một ít gừng, nước lọc để tránh bị chứng ợ hơi làm phiền mà lại giúp cung cấp nguồn vitamin cũng như khoáng chất đầy đủ.

Đừng quên các loại rau củ quả trong bữa ăn hằng ngày bạn nhé. Chú ý nên ăn nhiều các lại rau có màu xanh đậm, các loại cây họ đậu, vì chúng cung cấp cho bạn nhiều hơn chất xơ và giúp bạn tránh bị bệnh táo bón làm phiền.

Những bệnh thường gặp

Đến tuần này cơ thể mẹ cũng không biến đổi nhiều cho lắm so với một vài tuần trước. Những bệnh thường gặp trong suốt quá trình mang thai có lẽ bạn đã phải đối mặt gần hết: táo bón, trĩ, ợ nóng, bện về răng miệng, bệnh giãn tĩnh mạch…Đến tuần này bạn đã không còn lạ lẫm với những triệu chứng của chúng nữa, nhưng bạn vẫn cảm thấy thật phiền phức và khó chịu khi chúng ghé thăm bạn thường xuyên.

Đặc biệt trong giai đoạn này, mẹ bầu cảm thấy khó chịu nhất là những vết đỏ tím xuất hiện nhiều hơn, to hơn. Mẹ không nên lo lắng nhé, sau khi sinh em bé, các vết này sẽ tự nhiên biến mất và tất nhiên không để lại sẹo đâu.

Nếu mẹ bầu đang lo lắng về sắc đẹp của mình sau khi sinh em bé, triệu chứng phù nề, thân hình to lớn, chiếc bụng to, những vết rạn trên da bụng, ngực, mông… bạn có thể sử dụng thêm các loại mỹ phẩm phụ trợ như kem dưỡng da, kem chống rạn dành cho bà bầu…Kết hợp với việc tập một số các bài thể dục nhẹ nhàng, đi lại vận động thường xuyên sẽ giúp cải thiện phần nào làn da và dáng vóc của bạn.

Bố mẹ nên làm

Sinh em bé là một việc quan trọng không chỉ với bạn mà với cả gia đình bạn. Mặc dù đã có sự hỗ trợ của các phương tiện khoa học tiên tiến nhưng bạn cũng không thể nào biết chính xác ngày sinh. Do đó bạn và gia đình nên cân nhắc giữa lựa chọn sinh thường và mổ đẻ. Việc này phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe của mẹ và tình trạng hiện tại của bé yêu.

Bạn nên hoàn thành khóa học tiền sản hoặc học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về nuôi dạy trẻ để chuẩn bị thật tốt tinh thần cho giai đoạn sắp tới. Bạn phải đảm bảo mình đã chuẩn bị đầy đủ trang phục cho mẹ và bé, một số các đồ dùng cần thiết…Việc thu dọn, trang trí nhà cửa cũng được bạn và gia đình đốc thúc chuẩn bị trong những ngày này.

Giúp cơ thể mẹ bầu thư thái bằng việc có những bài tập thể dục nhẹ nhàng như tập thở hay tập nâng xương chậu, đi dạo vào buổi tối, nằm nghe nhạc không nghĩ ngợi gì…Những điều này sẽ giúp mẹ bầu có được một sức khỏe tốt chờ đến ngày chuyển dạ đấy.

Ngoài ra, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra tình hình sức khỏe của mẹ và bé, dự đoán ngày sinh chính xác cũng vẫn nên được duy trì thường xuyên.