Thai nhi 33 tuần tuổi

0

Những thay đổi của bé

Tuần thai thứ 33, cân nặng của bé nằm trong khoảng 1,9kg và cao khoảng 43,7cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Lớp mỡ dưới da là bộ phận giúp bé điều chỉnh thân nhiệt sau khi được sinh ra đang ngày càng dầy lên. Điều này khiến cho làn da bé hồng hào, láng mịn, và trông bé cũng tròn trĩnh hơn.

Bộ xương của bé giờ đây đã tương đối cứng cáp  trong khi xương hộp sọ vẫn còn mềm và chưa liền nhau. Điều này giúp bé chui ra khỏi bụng mẹ một cách dễ dàng. Đồng tử mắt của bé đã bắt đầu hoạt động, tiếp nhận ánh sáng. Mặc dù vậy, bé vẫn ngủ rất nhiều, thời gian mở mắt chỉ trong chốc lát, bé ngủ là chủ yếu.

Thời điểm này, bé đã xuất hiện những giấc mơ, bạn có thể nhận thấy qua việc mí mắt bé chuyển động liên tục khi ngủ. Hệ thần kinh trung ương đang trưởng thành khiến bé có thể cảm nhận được môi trường tử cung xung quanh mình cũng như nghe thấy âm thanh, cảm nhận được ánh sáng, nếm được mùi vị…

Các cơ quan quan trọng khác của bé như phổi, gan đã hoàn thiện chức năng của mình. Nếu không may bạn có sinh non trong tuần này, bé chỉ cần ở trong lồng kính một thời gian ngắn là bé có thể thích nghi một cách độc lập với môi trường mới.

Những thay đổi của mẹ

Tuần này, cảm giác mệt mỏi vẫn đeo bám bạn. Mặc dù mức khó chịu chúng gây ra không bằng giai đoạn đầu khi mang thai nhưng cũng gây nhiều lo lắng cho bạn.

Nếu bạn đang ngồi hay nằm lâu thì đừng vội vã bật dậy quá nhanh. Máu có thể dồn xuống chân, gây nên tình trạng giảm huyết áp tạm thời khi bạn ngồi dậy, và khiến bạn cảm thấy chóng mặt. Bạn có thể thấy một số cơn đau hoặc thậm chí tê ngón tay, cổ tay và bàn tay. Tuy nhiên, thật hạnh phúc khi cảm nhận sự hiếu động đặc biệt của bé trong bụng, bé di chuyển khỏe và nhanh hơn .

Đây cũng là lúc bạn ham muốn tình dục của bạn tăng cao. Mặc dù có nhiều quan điểm cho rằng làm “chuyện ấy” khi mang thai là rất có hại cho em bé, nhưng cũng có khá nhiều quan điểm chứng minh việc này không ảnh hưởng tới thai nhi mà còn có khả năng gắn kết tình cảm giữa bé và bố mẹ. Dù vậy, bạn nên giữ việc này điều độ nhẹ nhàng để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Dinh dưỡng cần thiết

Giai đoạn này mẹ bầu nên tăng khẩu phần ăn với nhiều loại trái cây và rau khác nhau để tăng cường chất xơ, chống táo bón. Cũng phải lưu ý rằng, một chế độ ăn uống giàu chất xơ chỉ phát huy hiệu quả tối đa nhất khi bạn uống nhiều nước. Nhớ đảm bảo uống đủ 8 ly nước mỗi ngày các mẹ nhé!

Nếu bạn thấy hoa mắt chóng mặt thường xuyên trong giai đoạn này, đây là một dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang bị thiếu chất sắt và một số vitamin cần thiết. Do đó hãy bổ sung lượng sắt cho cơ thể qua các nguồn thực phẩm như thịt bò, gan, khoai tây…

Một số các biểu hiện như đau nhức, tê buốt cổ tay, cổ chân… cũng có thể là biểu hiện của việc thiếu canxi. Bạn cũng có thể bù đắp thêm một số thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày như tôm, tép nhỏ ăn cả vỏ, đỗ, trứng, sữa…

Bạn nên tránh các loại thực phẩm nhiều gia vị, dầu mỡ và có tính axit để giảm thiểu những khó chịu của chứng ợ nóng. Hoặc bạn cũng có thể chia nhỏ các bữa ăn, tránh ăn gần lúc đi ngủ để dễ hấp thu chất dinh dưỡng và kìm hãm các triệu chứng của ợ nóng.

Các bệnh thường gặp

Phần đông các thai phụ trong giai đoạn này có nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn B. Đây là loại khuẩn trú ngụ ở âm đạo và trực tràng của mẹ. Nó có thể gây hại cho cả mẹ và bé, hơn nữa cảm giác khó chịu, bí bách do bệnh này gây ra cũng khiến cho bạn cáu, bực bội.

Nếu mẹ nhận thấy có những lằn hay nốt đỏ ngứa ngáy trên bụng mình, ở bắp đùi và ở mông nữa, mẹ có thể đang bị tình trạng gọi là sẩn ngứa mề đay hay nốt sần thai kỳ (gọi tắt là PUPPP). Mặc dù bệnh này không gây nguy hiểm nhưng lại đem đến cho bạn cảm giác khó chịu, khiến bạn không tự tin khoe chiếc bụng bầu đáng yêu của mình với mọi người. Nếu thấy triệu chứng bị ngứa khắp người, kể cả khi không hề bị nổi ban, bạn nên đến khám bác sĩ, vì rất có thể đây là một dấu hiệu bạn gặp vấn đề về gan.

Ngoài ra, bạn nên lưu ý về chứng trầm cảm thai nghén, bệnh này khá nguy hiểm đối với mẹ và bé. Biểu hiện là mẹ ít nói chuyện, không muốn nói chuyện hoặc chỉ nói chuyện với em bé trong bụng. Mẹ thường hay nghĩ gì đó mông lung, không cụ thể, nhìn xa xăm và mất ngủ thường xuyên. Bệnh này có thể là do mẹ bị áp lực hoặc một trấn động quá lớn khi mang thai, những lo lắng về em bé, nỗi sợ hãi khi sinh…

Bố mẹ nên làm

Đi khám thai thường xuyên khi bước vào giai đoạn này là việc bố mẹ nên làm nhất. Việc này giúp bố mẹ có thể theo dõi được sức khỏe và sự phát triển bình thường của con, dự tính ngày sinh chính xác nhất, theo dõi được tình hình sức khỏe của mẹ…

Mua sắm một số đồ dùng cần thiết cho những ngày sắp tới như quần áo trẻ sơ sinh, bình sữa, sữa….để không bị lúng túng khi em bé của bạn chào đời.

Bố mẹ nên dành thời gian để cùng nhau đi dạo lúc tối hoặc sáng sớm để giúp mẹ có sức cho những ngày chuyển dạ sắp tới. Hơn nữa bạn cũng có thể tận dụng thời điểm này để bàn bạc về những dự định tương lai cho thiên thần nhỏ của mình.

Có khá nhiều bé sinh non ở tuần tuổi này nên mẹ cần bảo vệ và giúp bé chào đời đúng hạn.