Thai nhi 27 tuần tuổi

0

Thay đổi ở thai nhi tuần 27

Tuần thai thứ 27, em bé nặng chừng 875g và dài khoảng 36,6 cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Xương sọ của bé còn khá mềm, bề mặt não còn trơn và ít vết nhăn. Bộ não của bé tăng trưởng rất mạnh trong tuần này. Não của bé bây giờ đã có thể quản lý việc hô hấp và điều chỉnh thân nhiệt của cơ thể. Số lượng tế bào mô não bắt đầu gia tăng nhanh và nhiều hơn.

Bé có thể nhấp nháy mắt và có thể mở mắt trong vòng một vài giây. Lông mi của bé cũng đã bắt đầu xuất hiện rồi nhé. Bé có thể nhìn thấy ánh sáng mờ mờ qua thành tử cung của mẹ do thị lực đang phát triển không ngừng. Trong tuần thai thứ 27, bé chủ yếu phát triển và hoàn thiện các chức năng chuẩn bị cho những ngày tháng sắp tới bên ngoài bụng mẹ.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần 27

Trung bình hầu hết các phụ nữ phụ nữ trong giai đoạn này sẽ tăng thêm khoảng 5-8 kg. Trọng lượng của chiếc bụng lớn dồn hết cả xuống khung xương chậu và đôi chân vì thế dáng đi của mẹ khá nặng nề, trông “lạch bạch như vịt”. Ngoài ra, bạn thường xuyên cảm thấy mệt hay chóng mặt.

Khoảng thời gian này, bạn còn có cảm giác râm ran, tê tê khó chịu ở dưới chân khi đang ngồi hoặc nằm ngủ. Cảm giác này sẽ đỡ hơn nếu mẹ chuyển động chân, hoặc xoa bóp chỗ tê. Mẹ có thể đã mắc phải hội chứng tê mỏi chân do hệ thống tĩnh mạch không được lưu thông. Các triệu chứng này khá phổ biến ở các bà mẹ mang thai. Hãy duỗi chân, tay thường xuyên hoặc xoa bóp chân hàng ngày bạn nhé. Các triệu chứng của rạn da ở bụng, đùi, mông, ngực bạn đang ngày càng nhiều. Các đường gân xanh cũng hiện lên rõ rệt.

Ngoài ra mẹ cũng mắc phải chứng khó ngủ do em bé trong bụng của bạn ngày càng to, khiến bạn thấy không thoải mái, đặc biệt là khi nằm ngửa. Hoặc cũng có thể là bạn đang rất lo lắng cho giai đoạn sắp tới, khi bé chào đời. Đừng lo lắng quá, vì nó làm giảm sức khỏe của bạn và đương nhiên là ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Hãy thoải mái, chờ đợi tới ngày lâm bồn để em bé của bạn luôn được khỏe mạnh nhé.

Chế độ dinh dưỡng

Bạn vẫn nên duy trì chế độ dinh dưỡng với nhiều loại rau quả và ngũ cốc cần thiết. Ưu tiên ăn thêm nhiều các loại thực phẩm giàu chất xơ gồm bánh mỳ, ngũ cốc, đậu lăng, nếp cẩm… Những thực phẩm này cũng chứa nhiều các loại vitamin nhóm B giúp giảm các triệu chứng của táo bón.

Uống thêm nhiều nước lọc cũng như nước hoa quả để bổ sung vitamin cần thiết cho bé. Theo kinh nghiệm dân gian, nếu bạn uống nhiều nước dừa trong giai đoạn mang thai, con bạn sẽ có làn da mịn màng, trắng trẻo sau này.

Uống các loại sữa để bổ sung dinh dưỡng và khoáng chất cho cơ thể. Không nhất thiết bạn phải sử dụng sữa dành riêng cho bầu, hãy chọn loại nào bạn cảm thấy thích và dễ uống nhất.

Hạn chế sử dụng nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều đường hay chất béo, giúp tránh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay thừa cân không cần thiết. Caffeine cũng là một tác nhân cho các triệu chững của giãn tĩnh mạch, hoặc tê nhức chân tay tăng trong thời kì này. Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung thêm sắt.

Các bệnh thường gặp

Tuần này huyết áp của mẹ có thể tăng nhẹ. Nếu bạn bị tăng cân quá nhanh, mắt mờ, tay chân đột ngột sưng phù thì rất có thể bạn đang bị tiền sản giật. Hãy gọi điện cho bác sĩ nếu cơ thể bạn xuất hiện những triệu chứng trên.

Nếu bạn bị nhiễm nấm âm đạo, bạn nên đi kiểm tra tại bệnh viện hay các phòng khám phụ sản để được chăm sóc, chữa trị kịp thời không gây ảnh hưởng cho thai nhi.

Giãn tính mạch cũng là một triệu chứng thường xảy ra với phụ nữ mang thai trong giai đoạn này do kích thước của em bé ngày càng to làm tăng áp lực cho cơ thể mẹ, làm tắc nghẽn các tĩnh mạch.

Chuột rút cũng vẫn xuất hiện và gây cảm giác khó chịu cho bạn khi ngày chuyển dạ sắp đến gần. Chuột rút ở chân thường xuất hiện vào ban đêm. Khi xảy ra chuột rút, bắp chân của bạn sẽ đỡ đau nếu bạn xoa bóp hoặc duỗi chân hoặc nhẹ nhàng bẻ cong các ngón chân. Đi bộ một vài phút hoặc xoa bóp bắp chân đôi khi cũng giúp giảm đau phần nào.

Bố mẹ cần làm

Vào tuần này, mẹ nên đến thăm khám bác sĩ thường xuyên, hai tuần một lần. Tùy thuộc vào các nguy cơ có thể xảy ra với mẹ, bác sĩ có thể khuyên mẹ nên xét nghiệm máu lại để xem có HIV và giang mai hay không, cũng như xét nghiệm Chlamydia và bệnh lậu để chắc chắn về tình trạng của mẹ trước khi sinh nở.

Ngoài ra, mẹ nên kiểm tra đường huyết và, nếu xét nghiệm máu được thực hiện tại lần khám tiền sản đầu tiên cho thấy mẹ có Rh âm tính, mẹ sẽ được tiêm globulin miễn dịch Rh để ngăn chặn cơ thể phát triển các kháng thể có thể tấn công máu của bé. (Nếu em bé của mẹ là Rh dương tính, mẹ sẽ được tiêm thêm một mũi globulin miễn dịch Rh sau khi sinh con).

Hãy tìm hiểu thêm thông tin, kiến thức về thai sản từ các trang web chuyên khoa, sách báo hoặc từ những bà mẹ đang mang thai khác và đến các lớp tiền sản thường xuyên bạn nhé.