Thai nhi 22 tuần tuổi

0

Thay đổi ở thai nhi tuần 22

Thai nhi trong tuần này đã nặng khoảng 360g, bé có chiều dài xấp xỉ 27 cm, tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Tất cả các cơ quan của bé đã hình thành, có thể nói hình hài của bé bây giờ giống như một đứa trẻ thực sự, tuy nhiên hình hài này vẫn còn rất nhỏ bé.

Lông mày và mí mắt đã phát triển hoàn thiện và móng tay thì đã ôm kín các đầu ngón tay. Chồi răng nhỏ xíu bên dưới nướu răng của bé cũng đang dần dần xuất hiện.

 

Làn da của bé cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn bởi lớp mỡ dưới da vẫn chưa phát triển mạnh mẽ, do đó em bé của bạn cũng chưa đủ trọng lượng để làm căng làn da của mình. Đôi môi lúc này đã bắt đầu hoạt động và đã có thể cảm nhận.

Đôi mắt của bé đã được hình thành nhưng màu mắt của bé vẫn còn thiếu sắc tố. Bên trong bụng thai nhi, các tuyến tụy và các cơ quan cần thiết cho việc sản xuất một số hooc-mon đang phát triển mạnh mẽ. Lá lách em bé cũng đang tiếp tục phát triển khá tốt.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần thứ 22

Trong tuần thai thứ 22, bạn vẫn tiếp tục tăng cân. Bạn nên cố gắng duy trì mức cân nặng tăng đều trong khoảng từ 0,5-đến 1 kg. Đừng nên cố giảm cân trong giai đoạn này vì cơ thể bạn cần rất nhiều dinh dưỡng để phục vụ cho quá trình nuôi con sau khi bé chào đời.

Tuy nhiên nếu tăng cân quá mức kiểm soát của bạn, bạn nên có kế hoạch để phanh lại nhé vì tăng cân quá cũng không tốt lắm cho quá trình sinh đẻ của bạn đâu.

Bụng của bạn xuất hiện nhiều hơn các vết rạn trên da vì nó phải mở rộng để chứa em bé đang ngày một lớn lên của bạn. Có những dạng rạn da khác nhau từ màu hồng đến màu nâu sẫm (tùy thuộc vào màu da của bạn) do mỗi người có kết cấu da khác nhau. Mặc dù chúng thường xuất hiện trên bụng của bạn nhưng vết rạn da cũng có thể có mặt ở những vị trí khác nữa như trên mông, đùi, hông và ngực, thậm chí là ở cả bắp chân.

Bạn có thể cảm thấy rất dễ chịu trong những ngày này bởi đây là thời điểm thú vị nhất của các bà bầu. Lúc này chiếc bụng của bạn chưa quá to khiến việc di chuyển trở lên nặng nề và các cảm giác khó chịu do thai nghén như buồn nôn, buồn tiểu nhiều, mệt mỏi của ốm nghén đã gần như biến mất.

Tử cung của bạn vẫn tiếp tục mở rộng chuẩn bị cho những ngày chuyển dạ sắp tới và cũng tạo ra không gian đủ cho sự phát triển không ngừng của bé. Các ngón tay, ngón chân và các khớp của mẹ bầu lúc này trở nên lỏng lẻo hơn do sự tác động của các hormone thai kỳ. Vậy nên đừng ngạc nhiên khi cơ thể bạn thường nhức mỏi, cảm giác chậm chạp không nhanh nhẹn như trước nữa.

Hiện tượng phù chân có thể xuất hiện trong tuần này và kéo dài cho đến sau khi bạn sinh một thời gian ngắn.

Các bệnh thường gặp

Trong tuần này, bạn xuất hiện cảm giác khó ở. Các triệu chứng như ợ nóng, tiêu chảy tiếp tục làm phiền bạn. Nếu bạn bị ốm, đừng tự ý đi mua thuốc uống mà không có bất kì sự chỉ dẫn nào của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý đi mua thuốc uống có thể gây ảnh hưởng không tốt tới em bé của bạn, một vài trường hợp dùng thuốc kháng sinh khác còn gây cho bé dị tật, hoặc khiếm khuyết.

Hiện tượng lợi chảy máu và chảy máu cam là những ảnh hưởng phụ của quá trình thai nghén sẽ làm phiền bạn trong giai đoạn này. Các hoocmon thai nghén chính là nguyên nhân gây ra gây ra. Lượng máu trong cơ thể mẹ bầu cũng tăng cao. Các hooc-mon tác động lên màng nhầy ở mũi và nướu lợi đã khiến các mao mạch ở mũi, lợi dễ vỡ ra và mang đến cho bạn cảm giác khó chịu ở đường hô hấp. Điều này hoàn toàn bình thường trong thai kỳ.

Bạn chỉ cần chú ý hơn đến việc chăm sóc răng miệng của mình là được. Tuy nhiên bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra răng miệng xem có vấn đề nào khác gây ra tình trạng chảy máu hay không.

Một số bà bầu cảm thấy đau lưng, đau vùng xương chậu hoặc cảm thấy bị chuột rút và những cơn co bóp tử cung cần lưu ý tới trường hợp sinh non. Những triệu chứng này là bình thường với các bà bầu, nhưng nó nguy hiểm nếu diễn ra thường xuyên và đau trầm trọng hơn. Lúc này bạn nên tìm tới bác sĩ để được tư vấn.

Chế độ dinh dưỡng

Bạn có thể bổ sung vitamin C để làm giảm tình trạng ợ nóng, viêm lợi hay chảy máu cam,  đồng thời nó cũng có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe cơ thể. Bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ của các loại nước hoa quả, đặc biệt là các loại quả thuộc họ cam chanh. Bạn có thể ăn nhiều bưởi để có làn da săn chắc sau khi sinh.

Uống nhiều nước lọc khi mang thai là một thói quen tốt. Không phải chỉ khi nào khát bạn mới uống nước mà nên có chế độ uống nước đầy đủ. Tốt nhất hãy chuẩn bị nước uống riêng cho mình để tránh các loại vi khuẩn có thể lây nhiễm bệnh. Tránh uống các loại nước giải khát có ga, các đồ uống có chứa cafein hay chất kích thích vì nó làm giảm khả năng co bóp dạ dày hay tử cung của bạn. Nó cũng có thể gây ảnh hưởng cho thai nhi. Thay vào đó bạn nên lựa chọn ăn nhiều rau, quả, ngũ cốc, sữa, thịt, các thực phẩm từ cây họ đậu.

Bạn cũng có thể sử dụng trà thảo dược, hoặc sữa cho bà bầu. Chúng sẽ giúp cơ thể bạn giảm bớt mệt mỏi và bổ sung lượng dưỡng chất cho cơ thể bạn nuôi bé.

Bố mẹ cần làm

Tuần thai thứ 22 là lúc mà bạn nên nghĩ tới việc tham dự những lớp học tiền sản dành cho bà bầu. Việc này sẽ giúp cung cấp cho bạn những thông tin chính xác về thai kỳ và làm thế nào để sinh con khỏe mạnh, hoặc sinh con một cách dễ dàng.

Tuần này, bạn nên đi khám thai và siêu âm, bởi vì đây là mốc quan trọng để kịp thời phát hiện những dị tật của thai nhi như tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch,…Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích tại thời điểm vàng này.

Thư giãn và vui vẻ là những điều thai phụ nên làm lúc này. Hãy chuẩn bị cho mình tâm trạng thật tốt trước khi bước vào thời kì lâm bồn bạn nhé. Hãy lập kế hoạch cho bé sau khi chào đời, hãy trở thành những ông bố bà mẹ thông thái. Chúc bạn thành công!