Thai nhi 21 tuần tuổi

0

Tuần này các bà bầu cảm thấy sức khỏe mình có phần giảm sút, và vẫn thấy khó ngủ vào cuối ngày. Hãy đến khám bác sĩ thường xuyên để cảm thấy an tâm hơn bạn nhé.

Các thay đổi của thai nhi tuần thứ 21

Trong tuần này bé lớn nhanh không ngừng, bé nặng khoảng 360g và dài khoảng 26cm tính từ đầu đến gót chân. Thai nhi lúc này đã phát triển tương đối toàn diện, miệng bé giờ đã đầy đủ phần lợi và mầm răng. Mí mắt của bé đã hình thành rõ nét, bé thường xuyên cử động xung quanh bụng bầu và nuốt dịch ối.

Bạn cũng có thể cảm thấy những cử động này của bé đấy. Xương tai trong của bé đã hoàn thiện và bé có thể nghe được hầu hết mọi âm thanh. Bé có thể nghe và phân biệt mọi âm thanh của mẹ: vui, buồn, tức giận… Hệ tiêu hóa của bé vẫn đang hoàn thiện chuẩn bị cho những ngày tháng sắp tới khi ra khỏi bụng mẹ.

Mạch máu của bé bây giờ đã phát triển nhanh hơn, hai lá phổi vẫn đang tiếp tục luyện tập để chuẩn bị đón nhận luồng không khí từ bên ngoài. Bé chủ yếu nhận calo từ dịch ối của mẹ để nuôi cơ thể. Ngoài ra lớp lông tơ bao phủ toàn bộ cơ thể bé bây giờ đã chuyển sang màu nâu xám.

Các thay đổi của mẹ khi mang thai tuần thứ 21

Trong tuần này bạn tăng nhiều cân hơn so với các tuần trước. Ngoài bụng và ngực, các bộ phận khác cũng thay đổi và phát triển không ngừng.

Các đốm màu đỏ ở chân và háng là triệu chứng của chân sưng phù. Bạn có thể cảm nhận thấy chân mình nặng nề hơn, thậm chí còn cảm thấy đau đớn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do thai nhi ngày càng lớn và sự thay đổi nồng độ máu trong giai đoạn mang thai.

Do những thay đổi của hooc-mon trong thời kì mang thai, da mặt của mẹ sẽ tăng lượng dầu khiến nó nhờn hơn. Đây là một dấu hiệu đặc trưng của các thai phụ ở thời kỳ bầu bí.

Ngoài ra bạn cũng nên lưu ý, khi ho mạnh hoặc cười to, bạn sẽ bị són tiểu. Đây là một vấn đề thường gặp của các thai phụ ở tuần thai này do thai nhi đang lớn rất nhanh trong bụng, đè lên bàng quang của mẹ.

Dinh dưỡng cần thiết

Bạn cần đáp ứng lượng sắt cần thiết cho cơ thể, tránh tình trạng thiếu sắt sảy ra với cả mẹ và em bé. Bà bầu có thể bổ sung lượng sắt cần thiết cho cơ thể bằng việc bổ sung các loại thực phẩm hàng ngày như các loại rau đậu, thịt có màu đỏ.

Một vài món thích hợp cho bà bầu giai đoạn này như đậu quả luộc, bắp bò xào ngô bao tử, bồ câu hoặc gà hầm hạt sen…Đặc biệt nếu bạn ăn trứng, cần ăn trứng chín, không ăn tái, lòng đào để tránh tình trạng nhiễm khuẩn cho thai nhi.

Không nên uống trà và cà phê vì nó hạn chế quá trình hấp thu và tiết acid của dạ dày. Uống từ 6-8 cốc nước mỗi ngày, tốt nhất nên chuẩn bị sẵn nước mang theo để sử dụng mỗi ngày để tránh nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó bạn cũng nên sử dụng nhiều loại nước hoa quả, ít ngọt như nước dừa, nước cam hoặc nước việt quất không đường…Ăn nhiều rau xanh mỗi ngày để bổ sung vitamin B cần thiết cho cơ thể mẹ và bé.

Bổ sung thêm sữa cho bà bầu để cung cấp thêm calo cũng như các dưỡng chất thiết yếu khác.

Các bệnh thường gặp

Nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm khuẩn bọng đái sẽ là hiện tượng thường gặp trong thai kỳ. Tuy nhiên nếu chứng nhiễm trùng đường tiểu không được điều trị, bạn có thể bị nhiễm khuẩn thận. Vậy nên các bà bầu nên chú ý tới vấn đề này, khi có các biểu hiện hoặc nghi ngờ mắc bệnh nên đến khám bác sĩ và kịp thời chữa trị.

Giãn tĩnh mạch do lưu lượng máu thay đổi trong thời kì mang thai cũng gây rất nhiều phiền phức cho bà bầu giai đoạn này. Đây là hiện tượng máu bị ứ, tắc, máu lưu thông không ổn định do áp lực của tử cung. Biểu hiện của nó là những vết xanh tím ở chân hoặc háng. Bệnh này sẽ hết sau khi bạn sinh một thời gian nhưng cũng có thể không biến mất hoàn toàn. Bạn nên quan tâm và có phương pháp điều trị thích hợp theo chỉ định của bác sĩ. Để giảm cảm giác của việc giãn tĩnh mạch trong giai đoạn mang thai, bạn có thể xoa bóp chân, tay, hoặc vận động nhẹ nhàng chứ không nên nghỉ ngơi hay nằm thường xuyên.

Bố mẹ cần làm

Bố mẹ nên bắt đầu nghĩ tới kế hoạch nuôi con sau này rồi đấy. Bạn có thể bàn với chồng về các phương pháp dạy con sau này dựa vào kinh nghiệm của những người đi trước hoặc cảm nhận, điều gì nên và không nên? Đây cũng là một cách để kéo gần khoảng cách giữa  vợ, chồng và thành viên sắp chào đời.

Bố mẹ nên thường xuyên nói chuyện với con, cho con nghe nhạc không lời, các bản nhạc nhẹ để kích thích sự phát triển tư duy cho bé.

Mẹ bầu nên mặc các loại quần áo rộng, thoáng mát, đi giầy bệt, thường xuyên vận động nhẹ nhàng, tránh ngồi bắt chéo chân, đứng quá lâu để giúp máu lưu thông dễ dàng.

Mẹ nên vẫn tiếp tục đến khám bác sĩ, đừng lo ngại việc siêu âm nhiều có ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và thai nhi, mẹ bầu nhé. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy siêu âm ảnh hưởng không tốt với mẹ và bé trong giai đoạn mang thai cả.

Bạn cũng đừng quên tham gia học các lớp học tiền sản để có thêm kinh nghiệm nhé.