Thai nhi 19 tuần tuổi

0

Thay đổi ở thai nhi tuần 19

Trong tuần này em bé đã nặng khoảng 240g, dài khoảng 15,3cm nếu tính từ đầu đến mông. Trọng lượng của nhau thai khoảng 170g, nước ối khoảng 320g, tử cung khoảng 320g…

Tim thai hoạt động tích cực, tim thai bình thường là từ 120 – 160 lần/phút. Thận của bé tiếp tục phát triển để bài tiết nước tiểu và tóc đã mọc trên da đầu. Bộ não của bé hoạt động linh hoạt hơn, chỉ định các khu vực chuyên biệt cho ngửi, nếm, nghe, nhìn, và cảm giác.

Bé bắt đầu nuốt nhiều hơn trong giai đoạn này, cơ thể của bé cũng tạo ra phân, một loại chất có màu đen, và bạn có thể nhìn thấy nó dính ở tã sau lần đầu tiên thay tã cho bé. Trong tuần này bé tiếp tục bổ sung dưỡng chất để phát triển về cân nặng và thể trạng cho tới khi ra khỏi bụng mẹ.

Thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần thứ 19

Bụng bạn sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn trong những tuần tới, nó đã gây ra nhiều khó khăn cho bạn trong việc vận động và di chuyển. Trong tuần này đỉnh tử cung của bạn đã đạt mức ngang rốn, nhiều khả năng mẹ đã tăng thêm khoảng 10 kg trong các tuần tiếp theo.

Ngực, mông cũng đều nở ra; lớp mỡ dưới da dày lên, thể trọng tăng liên tục. Ngực bắt đầu tiết sữa non. Sữa non là một dạng dịch thể màu vàng , loãng và có mùi hoi hoi.

Quầng vú của bạn (vùng sẫm màu quanh núm vú) ngày càng lớn hơn và sẫm màu hơn. Quầng vú càng thâm đen, con bạn sẽ càng dễ tìm thấy núm vú sau khi bé chào đời và được nuôi bằng sữa mẹ. Núm vú bạn sẽ bình thường trở lại sau khoảng 12 tuần nuôi con thôi, vì vậy bạn không nên lo lắng quá nhé.

Do âm đạo bị sung huyết cục bộ nên chức năng phân tiết của cổ tử cung cũng mạnh hơn, chất tiết ra từ âm đạo nhiều hơn. Các biểu hiện của chóng mặt hay đau đầu vẫn còn tiếp tục trong giai đoạn này, bạn nên giữ gìn sức khỏe cho mình, tránh các thay đổi tư thế liên tục, đột ngột.

Chế độ dinh dưỡng

Tránh các thực phẩm có chứa chất kích thích hoặc cafein vì các chất này làm cản trở quá trình hấp thu chất sắt và sự phát triển toàn diện của bộ não bé. Bà bầu nên uống nhiều nước để tránh tình trạng khử nước trong giai đoạn mang thai. Tốt nhất bạn nên sử dụng nước đáng tin cậy, hoặc thường xuyên đem nước theo người.

Tránh ăn các thức ăn nguội như xúc xích, lạp xưởng… vì các chất này rất dễ là nguồn lây truyền các khuẩn bệnh có hại cho sức khỏe của bé. Tốt nhất bạn nên sử dụng đồ ăn tươi, nấu chín và đảm bảo an toàn vệ sinh. Nên nấu vừa đủ ăn cho mỗi bữa tránh các trường hợp sử dụng lại thức ăn thừa trong tủ lạnh.

Để đề phòng chứng thiếu máu trong thời kỳ mang thai, thai phụ nên ăn nhiều thức ăn có chứa sắt trong bữa cơm hàng ngày như mộc nhĩ, thịt nạc, lòng đỏ trứng, rau lá xanh đậm, trái cây… Nên kết hợp ăn những thức ăn có chứa chất sắt và vitamin C sẽ có hiệu quả tốt hơn. Vitamin C có tác dụng hỗ trợ cho quá trình hấp thu sắt. Một vài món thích hợp cho bà bầu trong giai đoạn này là gan heo cuốn lá lốt, trứng tráng cuộn thịt, thịt bò hầm…

Các bệnh thường gặp

Trong tuần này bạn vẫn gặp phải chứng ợ nóng. Do đó bạn nên tránh ăn quá no, uống rượu và ăn đồ cay. Bạn có thể duỗi thẳng hai tay lên đầu để giảm bớt triệu chứng khó chịu do các bệnh này gây ra. Bạn cũng có thể dùng thuốc kháng axit để có được hiệu quả mau chóng và an toàn cho thai nhi. Tuy nhiên bạn nên hỏi bác sĩ để biết loại thuốc kháng axit nào phù hợp bạn nhé.

Bên cạnh đó dịch tiết ra ở âm đạo cũng tăng lên. Đây là hiện tượng bình thường ở các bà bầu. Tuy nhiên, nếu dịch tiết quá nhiều, có mùi hôi hoặc ngứa thì bạn phải báo cho bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.

Do các hooc-mon thai nghén tác động khiến bạn mắc phải chứng nghẹt mũi hoặc chảy máu cam. Đừng lo lắng vì đây cũng là một triệu chứng của mang thai. Bạn có thể sử dụng thuốt xịt mũi để giảm bớt khó chịu.

Bố mẹ cần làm

Mẹ bé nên chọn cho mình những bộ quần áo thích hợp cho bà bầu, đi dày dép thấp, tránh bị áp lực trong giai đoạn này. Để giúp thoải mái hơn, bạn hãy thử nến thơm, một bộ váy ngủ hoặc bộ pyjama mới, một lần massage tiền sản. Mẹ nên sử dụng các loại sữa thích hợp dành cho bà bầu để tăng cường dưỡng chất cho cơ thể mẹ và bé.

Tiếp tục đến các lớp học tiền sản và khám bác sĩ đều đặn để chủ động trong việc chăm sóc mẹ và bé. Vận động thích hợp sẽ giúp cho thai phụ và thai nhi khoẻ mạnh hơn. Nhưng cần chú ý vận động phải ở mức độ vừa phải. Trước khi tiến hành một môn thể dục nào đó, bạn cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ.