Thai nhi 17 tuần tuổi

0

Những thay đổi ở thai nhi tuần thứ 17

Trong tuần này, bé yêu của bạn đã nặng khoảng 140 g, có chiều dài khoảng 13cm, các hệ thống tuần hoàn, bài tiết… bắt đầu đi vào hoạt động nhịp nhàng.

Một điều vô cùng thú vị là bé đã bắt đầu biết đùa, đó là nghịch dây rốn, sờ vào nó và đẩy nó di chuyển. Thậm chí, bé còn biết nắm chặt dây rốn, khiến lượng oxy đi qua bị giảm sút. Các bà mẹ đừng vội lo lắng khi đọc những thông tin này vì bé sẽ không nắm chặt dây rốn lâu đâu. Đến khi bé cảm thấy khó chịu sẽ tự buông ra.

Bé cũng đã biết thở ra hít vào dù quanh bé toàn nước ối. Dây rốn đã bắt đầu dài ra, chắc khỏe và dày hơn. Tai bé bắt đầu có thể nghe thấy những hoạt động xung quanh mình và các chuyển động cơ thể đã mạnh mẽ hơn tuần trước.

Cơ thể thai nhi bắt đầu hình thành các mô mỡ và chất béo. Điều này khiến nhiệt độ cơ thể bé được ổn định, da phía ngoài nhìn hồng hào hơn và trưởng thành hơn. Hệ tuần hoàn và bài tiết đã đi vào hoạt động nhịp nhàng. Bộ xương của em bé đang thay đổi từ sụn mềm thành xương cứng, có thể di chuyển các khớp. Tuyến mồ hôi cũng đang bắt đầu phát triển…

Những thay đổi ở mẹ khi mang thai tuần thứ 17

Đến thai kỳ tuần thứ 17 bạn đã tăng ít nhất 2,2 kg và có thể tăng tới 4,5 kg. Tử cung đang giãn nở ngày một to và bạn cảm nhận được sự đau nhói ở lưng do dây chằng đang bị kéo căng, thường là do sự thay đổi tư thế đột ngột. Cảm giác đau nhói này chỉ đôi chút nhưng nếu nó kéo dài hoặc đau hơn dù đã áp dụng nhiều cách khác nhau thì bạn cần tới gặp bác sĩ.

Bạn cũng có thể nhận thấy đôi mắt của mình trở nên khô hơn. Nên sử dụng nước nhỏ mắt dành cho bà bầu. Nếu mắt kính của bạn trở nên khó chịu, hãy thử đeo chúng trong thời gian ngắn hơn.

Dinh dưỡng cần thiết

Nếu mẹ bầu thích uống cà phê thì giai đoạn này bạn nên bỏ một thời gian để đảm bảo sức khỏe cho bé yêu nhé! Ngoài ra tránh các thực phẩm gây nóng trong người, các thực phẩm để nguội như thịt hun khói hay xúc xích…Nên sử dụng các loại thức ăn tươi sống được chế biến chín và đảm bảo vệ sinh an toàn để tránh mắc phải các bệnh không tốt cho cơ thể mẹ và thai nhi.

Uống đều đặn 8 cốc nước lọc mỗi ngày, nước giúp xây dựng các mô mới, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn và nguồn dinh dưỡng thẩm thấu vào cơ thể nhanh hơn. Tránh sử dụng các loại thực phẩm không có calo hoặc không có giá trị về dinh dưỡng cho dù bạn không muốn tăng cân. Hãy đảm bảo cho bữa ăn của bạn có đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng em bé trong bụng và bản thân. Ăn làm nhiều bữa mỗi ngày.

Một điểm cũng vô cùng quan trọng nữa là cần cung cấp nhiều hơn lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như vitamin B, C, A, D…. Các loại hoa quả khô, sữa chua… đều là những nguồn cung cấp chất xơ rất tốt cho mẹ và bé.

Các bệnh thường gặp

Khi bụng của bạn ngày càng to lên, trọng lực cơ thể của bạn sẽ bị thay đổi do đó thỉnh thoảng bạn sẽ thấy không đứng vững trên đôi chân và bị chuột rút trong thời gian mang thai. Đây là nguyên nhân việc bạn không nên đứng trong quá lâu, hãy nghỉ ngơi bằng cách nằm nghiêng. Bạn cũng nên luyện một số bài tập giãn cơ vì chúng rất có lợi cho cơ thể.

Táo bón và bệnh trĩ là những bệnh mà không phụ nữ nào khi mang thai nào lại không phải chịu đựng những khó chịu do chúng mang lại. Bệnh trĩ là căn bệnh do các tĩnh mạch trực tràng đã bị giãn quá mức khiến lưu lượng máu tăng nhiều trong khu vực xương chậu gây ra sưng phù.

Nếu bạn dễ bị giãn tĩnh mạch, hoặc nếu bạn đã bị trĩ trong thời gian mang thai trước đó, bạn sẽ phải chịu đựng gấp đôi nỗi khó chịu, bất tiện do chúng gây ra khi mang thai. Cách phòng chống tốt nhất với bệnh táo bón và trĩ là lập kế hoạch với một chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, và tập thể dục thường xuyên.

Bố mẹ cần làm

Nếu bác sĩ, y tá, hoặc nữ hộ sinh xác định thai nhi có nguy cơ mắc phải các khuyết tật bẩm sinh, bạn phải tiến hành chọc ối và tiến hành các xét nghiệm bắt buộc để có kết quả chính xác. Nguy cơ này thường gặp ở những phụ nữ mang thai trong độ tuổi trên 35, vì họ có nguy cơ cao hơn với việc thai nhi mang dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, dị tật ống thần kinh,… Hãy trao đổi với bác sĩ để có lời khuyên hữu ích.

Cố gắng tránh nguy cơ té ngã như mang giày cao gót, gót nhọn,…nên mang giầy đế thấp để giảm nguy cơ té ngã có thể bị chấn thương bụng gây nguy hiểm cho bạn và thai nhi. Mặc quần áo thoải mái cũng là cách tốt giúp bạn tránh được cảm giác khó chịu trong suốt quá trình mang thai.

Giữ cân nặng vừa phải sẽ giúp cơ thể bạn đáp ứng được nhiều yêu cầu của giai đoạn thai nghén, giúp bạn lâm bồn thuận lợi cũng như cân nặng hợp lý của trẻ khi chào đời.

Bạn cũng có thể tập các bài yoga nhẹ nhàng để thư giãn các múi cơ bắp, giúp bạn học được cách hít thở, chuẩn bị cho giai đoạn lâm bồn nhưng lưu ý là đừng căng cơ quá mức, hãy chịu khó vì tương lai thiên thần bé nhỏ của mình bạn nhé.