Những thay đổi về thị lực khi mang thai

0

Mang thai, các mẹ bầu phải chịu bao nỗi khổ, trong đó có cả sự thay đổi thị giác, khi thấy mắt mình khô hơn và dễ kích ứng hơn. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và những vấn đề thường gặp là gì?

Vì sao thị lực biến đổi khi mang thai?

Những thay đổi về hormone, chuyển hóa, tích nước và tuần hoàn máu có thể ảnh hưởng tới mắt và thị lực, đó là một trong rất nhiều những thay đổi khi mang thai. Sự tích nước có thể làm dày và làm giác mạc mắt cong hơn một chút. Đó là một sự thay đổi nhỏ song có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thị lực dù là nhìn trực tiếp hay thông qua mắt kính. Đó cũng là lý do tại sao các mẹ bầu được khuyên không nên phẫu thuật mắt bằng laser trong suốt thai kỳ. Đồng thời, mẹ cũng không nên thay đổi kính mắt hay kính áp tròng trong giai đoạn thị lực không ổn định như vậy.

Chúng ta biết rằng mang thai có thể khiến tóc dày hơn, da sáng hơn và móng tay chắc khỏe hơn, và thật may mắn với một số người, thị lực cũng có thể được cải thiện. Có thể rằng khi mang thai, màng bao phủ trong suốt của nhãn cầu mắt trở nên ướt hơn hoặc khô hơn dẫn đến khả năng nhìn tốt hơn hoặc kém hơn ở một số người. Nhìn chung, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào đưa ra kết luận về sự thay đổi này. Tuy thế, mẹ không cần lo lắng vì hầu hết những trường hợp thay đổi thị lực trong khi mang thai không đáng lo.

Trừ trường hợp thị lực thay đổi đáng kể, các mẹ cần đi khám mắt để biết chính xác mình phải làm gì: thay kiếng, sử dụng thuốc… Trong đa số trường hợp, các thay đổi này sẽ tự biến mất trong vòng vài tháng sau sinh.

Những vấn đề thường gặp

Trong những thay đổi khi mang thai, thị lực có thể là vấn đề nhỏ nhưng khá là phiền phức. Mắt có thể trở nên khô và dễ kích ứng hơn.  Điều này, cùng với những thay đổi khó thấy về hình dạng và độ dày của giác mạc, có thể gây ra cảm giác khó chịu khi đeo kính áp tròng.

Đặc biệt, những mẹ bầu tiểu đường nên khám bác sĩ nhãn khoa trước khi mang thai và ngay sau khi mang thai để kiểm tra liệu có tổn thương thành mạch ở võng mạc hay không. Tình trạng này được gọi là bệnh võng mạc do tiểu đường, thường tiến triển xấu hơn khi mang thai, vì thế mẹ bầu cần đi khám mắt thường xuyên hơn trong thai kỳ và sau khi sinh.

Trong trường hợp mắc bệnh tăng nhãn áp, các mẹ bầu có thể có được thị lực tốt hơn, do đó cần điều chỉnh các thuốc. Nếu phụ nữ bị tăng nhãn áp và đang lên kế hoạch sinh con thì bác sĩ có thể làm giảm sự phơi nhiễm của thai nhi với các thuốc bằng cách bắt đầu giảm liều hoặc dừng thuốc nếu có thể.