Học mẹ bầu Nhật cách tự chăm sóc bản thân để cả thai kỳ luôn khỏe mạnh

0

Các mẹ bầu ở Nhật đã được hướng dẫn những cách chăm sóc bản thân rất đơn giản để đảm bảo cả thai kì con luôn khỏe mạnh, mẹ luôn nhẹ nhàng.

Mẹ bầu Nhật được hướng dẫn thực hiện cách tự chăm sóc bản thân khi mang thai

Tư thế, hoạt động: 

Khi mang bầu, trọng tâm của bạn sẽ chuyển về phía trước, điều này sẽ làm cho bạn phải tựa lưng nhiều hơn. Các chuyên gia sức khỏe luôn hướng dẫn các mẹ bầu Nhật phải chú ý đến tư thế và các hoạt động của bạn trong thời gian mang thai, tận dụng mọi chỗ để tựa lưng nhằm tránh bị đau lưng.

Cách đứng: 

Đứng thẳng, hai chân hơi dạng ra. Thả lỏng vai của bạn và ưỡn ngực, giống như khi bạn đứng nghiêm.

Ngồi trên sàn:

Ngồi xếp chéo chân sẽ làm cho khớp hông trở nên linh hoạt. Tốt nhất nên có một gối kê lưng khi ngồi.

Đứng dậy sau khi nằm: 

Luôn xoay người trước khi đứng dậy. Tiếp đến, đặt cả hai tay lên sàn và đẩy phần thân trên lên trước rồi mới đến phần thân dưới của cơ thể .

Đi cầu thang: 

Đi lên hoặc đi xuống đều phải từ từ. Luôn nắm tay vịn và cẩn thẩn bước từng bước một.

Hút thuốc/Rượu bia/Cà phê: 

Người mẹ kết nối với thai nhi bằng dây rốn. Khi thai phụ hút thuốc, khí CO và các chất độc truyền đến thai nhi qua dây rốn và trẻ sẽ hấp thu các chất đó. Rượu cũng được truyền đến thai nhi khi người mẹ uống rượu. Không hút thuốc và uống đồ uống có cồn trong thời gian mang thai. Hơn thế nữa, chất gây nghiện trong cà phê, trà đen, trà xanh có thể gây co mạch ảnh hưởng đến tuần hoàn. Bạn nên hạn chế lượng caffeine, chỉ uống từ một đến hai cốc cà phê hoặc trà mỗi ngày.

Thuốc: 

Trong suốt thời gian mang thai, nếu phải uống thuốc bạn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, vì các cơ quan chính của thai nhi được hình thành trong thời kỳ này.

Vệ sinh: 

Cần tắm, vệ sinh cá nhân thường xuyên bằng nước sạch, nên tắm trong phòng kín đáo, tránh gió lùa.

Vệ sinh ngực: 

Lau ngực hàng này bằng nước sạch và vải mềm. Mặc áo lót ngực rộ̂ng rãi, thoải mái.

Đi chơi xa:

Khi giai đoạn thai nghén ổn định, chuyến đi nghỉ xa nhà sẽ giúp bạn thoải mái, thư giãn. Bạn cần có kế hoạch với thời gian hợp lý. Tận hưởng kỳ nghỉ nhưng đừng quên tìm hiểu trước về cơ sở y tế ở khu vực đó và cẩn thận với những thứ bạn ăn. Nên tránh việc di chuyển bằng máy bay trong những tuần đầu và cuối của thai kỳ.

Cách mẹ bầu Nhật khắc phục một số triệu chứng thường gặp khi mang thai

Buồn nôn do nghén: 

Các dấu hiệu về nghén rất khác nhau giữa các cá nhân. Nhiều phụ nữ nghén nặng trong khi những người khác gần như không có triệu chứng này. Triệu chứng nghén thường nặng thêm khi đói. Các mẹ bầu Nhật thường luôn có sẵn đồ ăn vặt bên mình.

Chuột rút ở chân: 

Tử cung to lên sẽ tạo ra áp lực lên nửa thân dưới của người mẹ làm máu kém lưu thông. Do đó, thai phụ dễ bị chuột rút ở chân khi xoay người lúc ngủ hoặc khi duỗi nhanh cẳng chân. Khi chân bị chuột rút, hãy duỗi thẳng cẳng chân, hướng các ngón chân về phía trước bàn chân hoặc nhẹ nhàng xoa bóp toàn bộ bàn chân. Thiếu các vi chất như vitamin D, canxi, Magie, hoặc không tập thể dục thường xuyên cũng có thể gây ra chuột rút ở chân. Vì vậy, cách các mẹ bầu Nhật áp dụng là chú ý ăn thực phẩm giàu canxi và thường xuyên tập các bài tập thể dục dành cho phụ nữ mang thai.

Vết rạn da

Vết rạn da xuất hiện khi da bị kéo căng để thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của bụng và ngực trong thai kỳ. Tránh bị rạn da bằng cách dùng kem hoặc dầu dành cho trẻ em xoa vào bụng ngay từ những giai đoạn đầu mang thai, khi bụng vẫn còn nhỏ.

Chứng giảm huyết áp khi đứng thẳng:

Chứng giảm huyết áp khi đứng thẳng có thể xảy ra khi máu được chuyển đến não ít hơn do nồng độ hồng cầu loãng hơn hoặc dây thần kinh cân bằng không ổn định trong thời kỳ mang thai. Không nên đứng lên một cách đột ngột, hãy làm các việc một cách từ từ. Ngoài ra, thai nhi hấp thụ sắt từ cơ thể mẹ nên phụ nữ mang thai rất dễ bị thiếu máu. Tích cực ăn thức ăn giàu sắt và vitamin C sẽ giúp cho quá trình hấp thụ sắt và tạo máu tốt hơn.

Phù: 

Giai đoạn từ giữa đến cuối của thai kỳ, cơ thể tiết ra nhiều máu và dịch nên thai phụ thường bị phù. Tập thể dục và thực hiện các động tác kéo giãn rất có hiệu quả trong việc thúc đẩy lưu thông máu. Nếu ấn vùng da bị phù thấy có bị lõm hoặc nếu cảm thấy khó khăn khi nắm chặt nắm đấm của mình thì bạn cần giữ ấm chân và kiểm tra xem có ăn mặn quá không?

Ngứa da:

Làn da trong thai kỳ thường trở nên rất nhạy cảm, rất nhiều phụ nữ mang thai cảm thấy ngứa da. Giữ ẩm tốt sau khi tắm, vệ sinh da sạch sẽ, tránh sử dụng đồ lót có ren hay co giãn… là cách giúp da bạn không bị ngứa.

Táo bón: 

Phụ nữ mang thai dễ bị táo bón. Đây là do ảnh hưởng của một lượng lớn hooc-môn progesterone trong thai kỳ làm giảm chức năng của ruột. Hãy ăn thức phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước. Ăn, uống đủ chất xơ và nước ở cả 3 bữa và tập thể dục đều đặn hàng ngày để khắc phục.