Đối phó với chứng ợ nóng khi mang thai

0

Do sự thay đổi cơ thể khi mang thai, các mẹ bầu thường xuyên bị “làm phiền” bởi chứng ợ nóng. Để giảm cảm giác khó chịu này, mẹ phải làm gì?

1/ Nguyên nhân bà bầu bị ợ nóng?

Ợ nóng hay còn được gọi là chứng trào ngược a-xít xảy ra với phần lớn các mẹ bầu do sự thay đổi nội tiết tố trong thời gian mang thai. Ngoài cảm giác vị chua, đắng ở miệng, mẹ bầu bị ợ nóng còn cảm thấy nóng rát ở phần ngực dưới và cuống họng.

Ợ nóng khi mang thai xuất hiện chủ yếu do sự gia tăng đột ngột của hoóc-môn progesterone, có tác dụng làm giãn cơ tử cung, hỗ trợ cho sự phát triển ngày một lớn của em bé trong bụng mẹ. Trong quá trình kéo giãn của mình, progesterone cũng “nhiệt tình” làm giãn van dạ dày, khiến một lượng nhỏ a-xít tràn ra gây cảm giác nóng ran. Bên cạnh đó, progesterone cũng làm chậm quá trình co thắt, ảnh hưởng hoạt động của hệ tiêu hóa. Sự phát triển tăng dần theo thời gian của bé cưng cũng góp 1 phần nhỏ chèn ép dạ dày, đẩy các dịch vị trào ngược lên.

2/ Ngăn ngừa ợ nóng khi mang thai

Thay đổi chế độ dinh dưỡng và một số thói quen hàng ngày là cách đơn giản nhất giúp bầu hạn chế triệu chứng khó chịu này. Đừng bỏ lỡ 5 mẹo “trị” ợ nóng sau đây, bầu nhé!

– Ăn ít nhưng thường xuyên: Cùng với sự phát triển của thai nhi, dạ dày của mẹ bầu cũng bị thu hẹp lại một phần đáng kể. Và việc “nạp” cùng lúc quá nhiều thực phẩm chỉ khiến cho chứng ợ nóng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mẹ bầu chỉ nên ăn một lượng thực phẩm vừa phải. Thay vì ăn 3 bữa lớn mỗi ngày, nên chia thành 6 bữa nhỏ.

– Giới hạn thực phẩm: Loại bỏ những loại thực phẩm có thể khiến chứng trào ngược của bạn trở nên nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn các loại trái cây chứa nhiều a-xít như cam, chanh, quýt, cà chua… hoặc những thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ, thức uống có ga, caffein…

– Tăng cường thực phẩm dạng lỏng: So với thực phẩm dạng rắn, thực phẩm dạng lỏng sẽ dễ tiêu hóa hơn. Vì vậy, tình trạng ợ nóng cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Súp, sinh tố, sữa chua, sữa lắc… là những thực phẩm dạng lỏng nhưng có hàm lượng protein cao, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu.

– Ngủ “thông minh”: Để tránh ợ nóng, bầu không nên ăn bất cứ thứ gì ít nhất trong 3 giờ trước khi đi ngủ. Nâng cao đầu và nằm nghiêng bên trái sẽ hạn chế lượng a-xít từ dạ dày trào ngược lên.

– Nhờ trợ giúp của thuốc: Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, bầu có thể đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời. Một số loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa và chống trào ngược có thể giúp bạn trong lúc này. Tuyệt đối không tự ý uống thuốc nếu không có chỉ định từ bác sĩ.