Chuyên gia chia sẻ tuyệt chiêu giúp sinh con dễ dàng hơn

0

Đến tuần thai 28, chỉ khoảng 15% thai nhi vẫn còn ở tình trạng ngôi thai ngược. Càng về cuối thai kỳ, con số này càng có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, nếu thuộc số ít những người sinh con ngôi thai ngược, bạn nên làm gì? Liệu có bí quyết nào giúp sinh con dễ dàng hơn? Chia sẻ trực tiếp từ chuyên gia, các mẹ đừng bỏ lỡ nhé!

Ngoài vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe, những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến quá trình sinh con cũng là mối quan tâm hàng đầu của các mẹ lần đầu “lên chức”. Làm sao khi thai nhi chưa kịp quay đầu? Muốn sinh con dễ dàng, mẹ cần lưu ý điều gì? Thắc mắc của các mẹ sẽ được bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi giải đáp chi tiết. Đừng bỏ lỡ nhé!

1/ Mang thai tuần 29, nước ối ít, thai nhi có khả năng không xoay đầu được? Trường hợp này có ảnh hưởng như thế nào đến em bé?

Thai nhi 29 tuần chưa thể xoay đầu không phải một vấn đề lớn. Đặc biệt, nếu đây là lần sinh con thứ 2, ngôi thai càng không thể được xác định chính xác tại thời điểm này. Về vấn đề nước ối, ở đây không đề cập chi tiết nước ối ít là bao nhiêu nên rất khó xác định vấn đề. Do thai nhi thường xuyên nuốt nước ối, sau đó chuyển nước ối ra trở lại theo đường tiểu nên mực độ nước ối thường xuyên có sự tăng, giảm khác nhau. Thiếu ối chỉ được xác định khi chỉ số ối giảm dưới mức 5 cm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trường hợp thiếu ối. Thiếu ối ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ có thể do thận thai nhi có vấn đề nên không thể “tái sản xuất” nước ối hoặc do màng ối không thể sản sinh nước ối, hoặc do rò rỉ… Tốt nhất, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị.

2/ Sinh con ngôi thai ngược phải làm sao? Làm cách nào để ngôi thai thuận? Để có một kỳ sinh nở an toàn, mẹ cần lưu ý những điều gì?

Với những mẹ sinh con đầu lòng, nếu ngôi thai thuận, bạn có thể yên tâm mình sẽ sinh thường. Tuy nhiên, với những trường hợp ngôi thai nghịch, bao gồm ngôi ngang, ngôi mông, khả năng bạn có thể sinh thường sẽ giảm hẳn.

Những mẹ sinh con rạ, ngôi thai rất dễ thay đổi. Thậm chí nhiều trường hợp phải đợi đến thời điểm chuyển dạ mới có thể xác định chính xác ngôi thai nghịch hay thuận. Vì vậy, trong 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ nên thường xuyên siêu âm để xác định ngôi thai. Thực tế, không có biện pháp can thiệp nào có thể giúp bạn thay đổi ngôi thai. Những thủ thuật giúp xoay ngôi thai trước đây đã được chứng minh không hiệu quả. Nhiều trường hợp còn có thể gây biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Để đảm bảo an toàn, với những trường hợp ngôi thai ngược, hầu hết các bác sĩ đều khuyến khích mẹ bầu nên sinh mổ.

3/ Đi bộ từ sớm giúp dễ sinh, nhưng nếu để tới lúc gần sinh mới đi bộ sẽ không có tác dụng. Điều này có đúng không?

Không chỉ đi bộ, các hoạt động thể dục thể thao trong thời gian mang thai đều rất có lợi cho sức khỏe bà bầu. Đặc biệt, việc tập thể dục, nhất là đi bộ có thể giúp tử cung co thắt, hỗ trợ quá trình chuyển dạ diễn ra dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào muốn đi bộ cũng được. Những trường hợp mẹ bầu có vấn đề sức khỏe như hở cổ tử cung, dọa sinh non hay tiền sử sinh sớm đều được chỉ định không nên đi bộ quá nhiều, đồng thời tránh những hoạt động mạnh, quá sức. Chỉ nên đi lại nhẹ nhàng. Những mẹ bầu có sức khỏe bình thường cũng không nên cố sức đi bộ quá nhiều. Tốt nhất bạn chỉ nên vừa đi vừa thư giãn, ngắm cảnh.