Những lưu ý khi mẹ bầu bị sâu răng

0

70% các mẹ bầu đều gặp vấn đề liên quan đến răng trong suốt thai kỳ. Nhiều mẹ lo lắng rằng thủy ngân trong thuốc trám răng có thể ảnh hưởng đến bé. Nhưng sâu răng trong thai kỳ mới thực sự là mối nguy cho mẹ!

Sâu răng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ sơ sinh

Trong quá trình mang thai, hormone trong cơ thể mẹ sẽ có nhiều biến đổi. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh về răng miệng. Sự thay đổi về nồng độ hormone  trong cơ thể làm cho nướu trở nên nhạy cảm với các mảng bám, vi khuẩn.

Chưa có bằng chứng nào khẳng định các biện pháp chữa sâu răng như trám răng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Chất trám răng là một hỗn hợp gồm bạc, thuỷ ngân, thiếc và đồng được sử dụng rộng rãi hơn 150 năm qua. Chất trám răng tuy có chứa thuỷ ngân nhưng không gây hại gì cho sức khỏe ngoài những trường hợp cực kì hiếm hoi bệnh nhân bị dị ứng với chúng.

Nếu bạn cảm thấy không yên tâm về hợp chất trám răng hỗn hợp, bạn có thể yêu cầu nha sĩ sử dụng loại nhựa tổng hợp, mặc dù nó sẽ không bền được như dạng chất trám răng có chứa kim loại. Các nhà khoa học khẳng định, những người mẹ có răng sâu sẽ sinh ra những đứa trẻ có hệ miễn dịch kém và bộ máy tiêu hóa làm việc không tốt, chưa kể còn xuất hiện một loạt các bệnh khác. Người mẹ bị sâu răng thì nhiều khả năng bé sẽ bị sâu răng và viêm vòm họng. Vì thế, đối với những phụ nữ mang bầu, điều quan trọng là phải thường xuyên đi khám răng miệng và có những biện pháp chữa trị kịp thời.

Phòng ngừa sâu răng trong thai kỳ

Chính vì những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, mẹ cần lưu ý phòng sâu răng để tận hưởng một thai kỳ khỏe mạnh và bảo vệ từ xa cho bé.

– Vệ sinh răng miệng đúng cách: mỗi ngày đánh răng ít nhất 2 lần, sau bữa ăn để giữ vệ sinh răng miệng. Mẹ nên chọn bàn chải răng mềm vì nướu răng trong thời gian này dễ tổn thương hơn bình thường. Nếu ở giai đoạn ốm nghén, sau mỗi lần bị nôn cần súc miệng lại bằng nước sạch để giảm acid trong miệng. Nếu chải răng gây buồn nôn cho các bà mẹ mang thai, thì có thể đánh nhẹ nhàng sau đó xúc miệng lại bằng dung dịch vệ sinh.

– Khám răng định kỳ: khi mang thai, thai phụ nên khám răng định kỳ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời, tốt nhất mỗi 3 tháng. Nếu phát hiện có vôi răng, nha sĩ có thể lấy sạch vôi răng và mảng bám.

– Trám răng và nhổ răng: nếu chỉ trám răng mà không dùng đến thuốc tê thì không ảnh hưởng nhiều. Răng sâu trong thời kỳ này hoàn toàn có thể và nên được trám sớm để tránh tình trạng sâu răng lan đến tủy gây viêm tủy. Tuy nhiên can thiệp nên nhẹ nhàng, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ vì nhau bám vào tử cung vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn. Khi thai được 5 tháng thì có thể can thiệp bình thường. Tuy nhiên, thường trong thời gian mang thai không nên nhổ răng vì có thể gây nhiễm trùng huyết ảnh hưởng đến thai nhi.

Khi đến phòng răng hoặc viện răng hàm mặt, mẹ nên hạn chế đến mức thấp nhất việc chụp X-quang, đặc biệt trong 3 tháng đầu tiên khi thai đang hình thành các cơ quan vì có thể gây xáo trộn trong quá trình hình thành bào quan. Ngoài ra, mẹ không được tự ý dùng thuốc mà phải theo chỉ định của bác sĩ.

– Chế độ ăn uống: ăn thực phẩm giàu vitamin C, B12, canxi… và hạn chế ăn đồ ngọt, đồ có gas.