Bị ngứa khi mang thai: 5 nguyên nhân thường gặp

0

Bị ngứa khi mang thai, các mẹ bầu đã mệt mỏi lại càng thêm khó chịu. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và làm thế nào để giúp các mẹ cảm thấy dễ chịu hơn?

Tình trạng bị ngứa khi mang thai đôi khi chỉ xuất hiện bất chợt ở vùng bụng, tay, chân cũng đủ khiến mẹ bầu khó chịu không thôi. Những cơn ngứa dai dẳng và mức độ ngứa dữ dội còn có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm. Chính vì vậy, việc hiểu nguyên nhân của chứng ngứa ngáy trong thai kỳ chính là cách hiệu quả nhất để xử lý tình trạng đáng ghét này.

Tăng lưu lượng máu gây ngứa trên da

Trong những tháng đầu thai kỳ, mẹ bắt đầu cảm thấy bị ngứa ở vùng bụng. Bà bầu bị ngứa bụng là hiện tượng khá phổ biến và thường không đáng ngại. Đó là do lưu lượng máu bên trong cơ thể đang tăng lên, và máu chảy về bề mặt da cũng nhiều hơn. Điều này có thể gây một chút cảm giác khó chịu cho mẹ.

Mẫn cảm với hương liệu và chất giặt tẩy

Một lần nữa, hormone lại là kẻ giấu mặt gây ra vấn đề ngứa da khi mang thai. Sự thay đổi hormone sẽ làm mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng bởi hương liệu và chất giặt tẩy còn vương lại trên quần áo.

Đặc biệt, những mẹ đã có vấn đề về da như eczema sẽ thấy tình trạng càng trầm trọng hơn khi mang thai.

Làn da bị kéo giãn

Từ tam cá nguyệt thứ hai, bụng bầu bắt đầu to hơn, cùng lúc này, nhiều vùng khác trên cơ thể mẹ như ngực, mông, đùi cũng bắt đầu trở nên tròn trịa hơn do mẹ bắt đầu tăng cân. Điều này đồng nghĩa với làn da bắt đầu bị kéo giãn. Đặc biệt, từ cuối tam cá nguyệt thứ hai, nhiều vết rạn da có thể xuất hiện ở vùng bụng dưới do da bụng bị kéo giãn quá mức. Vì da đang phải làm việc “quá tải” nên cảm giác ngứa ngáy cũng sẽ xuất hiện, có thể kèm theo một số vấn đề khác như khô da, nổi mẩn…

Bệnh mề đay sẩn ngứa trong thai kỳ (PUPP)

Đây là một trong những bệnh về da chỉ xảy ra trong thời gian mang thai. Những triệu chứng thường xuất hiện ở mẹ mang thai lần đầu và các mẹ mang thai đôi hoặc đa thai. Các vết mẩn ngứa xuất hiện như ban đỏ, nổi thành từng mảng trên tay, chân, bụng, đùi, cánh tay, bàn tay, bàn chân nhưng không bao giờ xuất hiện trên mặt.

Ứ mật thai kỳ

Hormone ảnh hưởng đến chức năng túi mật, dẫn đến làm chậm hoặc ngăn chặn dòng chảy của mật. Túi mật chứa mật được sản xuất trong gan, là điều cần thiết trong sự phân hủy chất béo trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi lưu lượng mật dừng lại, gây ra sự tích tụ các a-xít mật trong gan có thể lan tràn vào máu gây tình trạng ứ mật thai kỳ. Những phụ nữ có tiền sử bị gan hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh này có nguy cơ cao hơn. Có khoảng 1/1000 phụ nữ mang thai gặp phải chứng bệnh này.

Triệu chứng: Ngứa với mức độ từ bình thường đến nặng. Vùng ngứa nhiều nhất là bàn tay và bàn chân Tuy nhiên, nhiều phụ nữ ngứa trên cổ tay, mắt cá, cánh tay, chân, da đầu, hoặc trên tất cả các bộ phận. Một số phụ nữ bị ngứa ở mọi nơi ngoại trừ bàn tay và bàn chân của họ.

Thỉnh thoảng có những triệu chứng khác như:

  • Đau xương sườn bên phải
  • Nước tiểu vàng đậm
  • Buồn nôn, chán ăn hoặc thèm
  • Mệt mỏi, căng thẳng
  • Vàng da
  • Mẹo hay giúp giảm ngứa cho mẹ bầu

Một số lưu ý nhỏ dưới đây sẽ giúp mẹ giảm ngứa hiệu quả:

  • Mặc quần áo rộng và bằng chất liệu tự nhiên: Cố gắng mặc quần áo với chất liệu cotton thoáng mát, rộng rãi vì khi mặc quần áo chật sẽ khiến da bà bầu dễ bị kích ứng.
  • Dưỡng ẩm cho da: Chọn kem dưỡng ẩm với thành phần thiên nhiên để dưỡng ẩm cho làn da của bạn. Thật tuyệt khi bạn có thể tự nấu dầu dừa làm kem dưỡng ẩm cho vùng da bụng, đùi, mông và bắp tay chân là những nơi hay bị cơn ngứa “hành hạ”
  • Thay đổi mỹ phẩm: Nên kiểm tra liệu có phải mẹ bị ngứa do dị ứng mỹ phẩm hoặc thức ăn hay không. Nên chọn loại sữa tắm với thành phần dịu nhẹ và ngâm mình trong bồn tắm nước mát sẽ xua tan những cơn ngứa. Không nên tắm nước nóng vì da sẽ khô và dễ ngứa hơn.

Bị ngứa khi mang thai thường không nghiêm trọng, nhất là khi mẹ đã hiểu rõ nguyên nhân thì sẽ bớt lo lắng về hiện tương này hơn. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị mề đay, sẩn ngứa – PUPP hoặc nghi ngờ bị ứ mật thai kỳ, mẹ nên đi khám để được xét nghiệm chắc chắn.