12 sự thật thú vị có thể mẹ chưa biết khi mang thai

0

Tử cung mở rộng hơn tới 500 lần

Tử cung của phụ nữ khi mang thai có thể mở rộng ra lên tới 500 lần kích thước bình thường để thích nghi với em bé lớn dần lên trong bụng mẹ. Sau khi sinh, thông thường tử cung sẽ dần dần co trở lại kích thước ban đầu trước khi sinh. Tử cung phụ nữ có kích thước bằng khoảng 1 trái đào trước khi mang thai và tại thời điểm ‘cực đại’ có thể phát triển lên mang kích thước tầm một quả dưa hấu.

Trái tim lớn hơn

Trái tim của phụ nữ thực ra có phần lớn hơn khi mang bầu. Nguyên nhân là do sự kéo dài của xương sườn cũng như việc tử cung căng ra. Điều này khiến cho kích thước một số bộ phận trong cơ thể có phần thay đổi chút ít, trong đó có trái tim.

Em bé có thể khóc trong bụng mẹ

Từ hình ảnh qua máy siêu âm 4 chiều có thể nhận ra rằng em bé thỉnh thoảng cau mày hay ‘nhăn nhó’ trong bụng mẹ. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng em bé còn có thể khóc trong bụng mẹ thông qua việc đo mẫu hơi thở. Tuy nhiên mẹ không cần lo lắng tới lý do bé con khóc trong bụng mình bởi hầu hết thai nhi chảy nước mắt trong bụng mẹ chỉ như một hành động bình thường, không phát sinh từ lý do cảm xúc.

Bé ‘tè’ trong bụng mẹ

Sau ba tháng thứ hai của thai kỳ, thai nhi đã phát triển tương đối hoàn thiện, thực tế lúc này em bé đã có thể bắt đầu ‘tè’ trong bụng mẹ và thậm chí còn uống lại mà không biết.

Nhịp tim tăng lên

Trong thời gian bầu bì, lượng máu trong cơ thể mẹ có thể tăng lên thêm tới 50%, do đó trái tim cần hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể của cả 2 mẹ con. Cùng với đó, nhịp tim cũng tăng lên do sự gia tăng lượng máu trong cơ thể mẹ.

Xương mềm đi

Khi mang thai, cơ thể mẹ dần tiết ra một loại hormone có tên là relaxin, có tác dụng chuẩn bị cho cơ thể mẹ khi sinh. Ngoài ra, hormone này còn có ‘tác dụng phụ’ là làm mềm xương và các dây chằng. Chính bởi tác dụng làm mềm xương này, việc sinh tự nhiên sẽ trở nên dễ dàng hơn do em bé có thể đi qua xương chậu của mẹ dễ hơn.

Tóc trở nên dày hơn

Nguyên nhân của việc mái tóc trở nên dày và dài nhanh hơn khi bầu bí là việc tăng estrogen trong cơ thể, estrogen lại có tác dụng ngăn chặn tóc rụng. Hiển nhiên, sau khi sinh em bé, lượng hormone này giảm đi nên mẹ sẽ thấy tóc rụng và yếu đi trông thấy.

Chất dinh dưỡng đi đến thai nhi đầu tiên

Các chất dinh dưỡng mà mẹ thu nạp vào cơ thể sẽ được chuyển hóa vào máu và đi nuôi dưỡng em bé trước khi nuôi chính cơ thể mẹ.

Chân to ra

Hormone relaxin không những làm mềm xương mà còn nới lỏng các dây chằng ở 2 bàn chân, do đó mẹ có thể nhận ra bàn chân của mình hơi to và dài ra. Tuy nhiên, hai bàn chân sẽ nhanh chóng trở về kích thường bình thường một vài tháng sau khi sinh, vì vậy mẹ hoàn toàn không cần lo lắng tới việc phải sắm lại tủ dầy dép mới khi đi làm trở lại.

Khứu giác nhạy cảm hơn

Khi bầu bí, mẹ có thể cảm thấy rất khó chịu hay buồn nôn khi ngửi thấy một số mùi nhất định ví dụ như cá tanh. Việc này làm giảm khẩu vị ăn uống của mẹ, thế nhưng mẹ có thể chưa biết rằng đây cũng chính là một biện pháp phòng vệ của cơ thể để ngăn mẹ không ăn phải những đồ ăn không hợp vệ sinh hay bị ôi thiu, có mùi. Sự nhạy cảm hơn hẳn với mùi là do lượng estrogen và HCG tăng lên.

Em bé cũng có thể nếm vị thức ăn

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thai nhi cũng có thể ‘nếm’ được mùi vị của món ăn mà mẹ đang ăn. Em bé cũng có thể cảm nhận được vị cay của ớt và một vài hương vị khác. Các hương vị mạnh như vị tỏi thậm chí có thể đi qua nước ối vào tử cung.

Chảy máu mũi

Trong khi mang thai, một số mẹ bầu có thể bị chảy máu cam. Hiện tượng này xảy ra là do việc tăng lưu lượng máu lưu thông trong cơ thể khi mang thai và hầu như không đáng lo.